Bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Ất Mùi: Xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ

Nam Phương| 26/12/2014 07:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Xăng giảm giá 9 lần, giá hàng hóa vẫn “đứng im”

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm 9 lần với tổng mức giảm 4.250 đồng.

Mỗi lần xăng tăng giá, hàng loạt các mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng đều "té nước theo mưa" tăng giá theo. Tuy nhiên, lần này, dù xăng đã giảm giá tới 9 lần nhưng giá các mặt hàng này "đứng yên", không có dấu hiệu giảm giá.

Cũng cần nói thêm, từ đầu năm trở lại đây, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) thước đo về lượng cầu thị trường, giá cả mua sắm mặt hàng trong dân luôn ở mức thấp. 10 tháng đầu năm CPI chỉ đạt 4.47%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Nhu cầu tiêu dùng không tăng, lãi suất ngân hàng giảm bằng mức bình quân các năm trước, giá xăng giảm nhiều lần… Đây là những yếu tố thuận để giá thực phẩm giảm.

Lý giải về việc giá thực phẩm không giảm này, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng bày tỏ  bức xúc khi giá xăng đã giảm liên tiếp  lần mà giá các mặt hàng thực phẩm, hàng thiết yếu vẫn cao chót vót.

Còn theo nhận định của chuyên gia kinh tế- TS Vũ Đình Ánh, các yếu tố đầu vào giảm nhưng giá thực phẩm giữ nguyên cho thấy rõ ràng xăng dầu không phải nguyên nhân tăng giá thực phẩm như các doanh nghiệp, tư thương thường nói. Giá hiện đang nằm trong tay của trung gian, nhà buôn, doanh nghiệp đầu mối. Người nông dân, người tiêu dùng không được hưởng lợi khi giá cả tăng nhưng lại là người chịu thiệt khi giá có nhiều biến động.

Bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Ất Mùi: Xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ

Giá hàng hóa dịp Tết luôn là mối quan tâm của người dân

 

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, giá xăng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính toán chỉ số CPI. Vì vậy, việc tăng giảm giá của xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến giá cả hàng hoá, dịch vụ.

Ông Quyền khẳng định rằng, xăng dầu tăng giảm là do điều hành của Nhà nước, còn hàng hoá trên thị trường vận hành theo quy luật thị trường vì vậy việc tăng giảm là do cung cầu của thị trường chứ không liên quan nhiều đến giá xăng.

Về mặt lý thuyết, giá xăng dầu giảm thì hàng hóa thiết yếu cũng sẽ giảm giá theo. Tuy vậy, diễn biến giá thực tế trên thị trường lại không hề nhúc nhích, thậm chí có biểu hiện ngược lại. Thực tế này cũng được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, thừa nhận. Ông Tuấn cho biết xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nên khi chi phí đầu vào giảm, DN phải điều chỉnh giảm giá hàng hóa ở mức hợp lý.

Theo ông Tuấn, qua theo dõi, Bộ Tài chính nhận thấy vừa qua, giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá nhiên liệu trên thị trường chưa thể hiện rõ xu hướng giảm. Trong đó, cước vận tải là loại chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu cũng chưa giảm tương ứng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, Luật Giá cho phép khi có biến động bất thường về giá thì cơ quan quản lý nhà nước có quyền kiểm tra, kiểm soát và yêu cầu DN điều chỉnh giá phù hợp. Do đó, trong bối cảnh này, cơ quan quản lý về giá nên chọn một số mặt hàng thiết yếu để rà soát. Nếu làm tốt những mặt hàng đó thì mặt bằng giá cả chung sẽ giảm khá. Vấn đề khiến giá xăng dầu dù giảm rất sâu nhưng vẫn không tác động được đến giá cả thị trường nói chung là do hiệu năng quản lý nhà nước về giá chưa mạnh, các cơ quan liên quan thực hiện công tác bình ổn giá chưa quyết liệt...

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá

Nhằm chủ động cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân được đón Tết Nguyên đán Ất Mùi vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Theo đó, đối với lĩnh vưc quản lý giá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc được trợ giá, hàng hóa, dịch vụ công ích, các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá mặt hàng vào các thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết; chủ động kiểm tra giá cước vận tải phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu nhằm hạn chế tình trạng neo giá bất hợp lý.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước.  Tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng, có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng tốt.

Đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, các thủ đoạn gian lận do đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật, kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Đối với linh vực tiền tệ, ngân hàng, Chỉ thị yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng dư nợ tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế trước và sau Tết Nguyên đán; đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt của hệ thống máy rút tiền ATM và các biện pháp trả lương kịp thời vào dịp Tết.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo 13 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá trên địa bàn Thành phố dự trữ đúng số lượng hàng hóa đã cam kết, tương ứng với số vốn 276,75 tỷ đồng được Thành phố tạm ứng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Ất Mùi: Xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ