Sau khi có thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương cưỡng chế 2 bãi cát không đủ điều kiện kinh doanh trên sông Sài Gòn, ngày 17-2, hàng loạt xe ben ùn ùn kéo đến 2 bãi cát của Công ty TNHH MTV Lan Tường và doanh nghiệp tư nhân Rạch Bắp (ở xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An) để “tháo cát” ra khỏi vị trí sắp bị cưỡng chế.
Ảnh minh họa.
Trước đó, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã thị sát kiểm tra và chỉ đạo thị xã Thuận An và các ngành chức năng xử lý các cơ sở hoạt động kinh doanh cát dọc sông Sài Gòn gồm có 7 đơn vị: Chi nhánh doanh nghiệp (DN) tư nhân Rạch Bắp, Công ty TNHH MTV Lan Tường, Chi nhánh DN tư nhân Nguyễn Thanh Vũ, DN tư nhân thương mại Lê Bình, Công ty TNHH MTV Lê Khánh Bình, Công ty TNHH MTV Thông Hải và trường hợp của ông Lê Lê Hiệp. Trong đó, có 2 đơn vị đưa vào đợt cưỡng chế sắp tới là Công ty TNHH MTV Lan Tường và DN tư nhân Rạch Bắp do không đủ điều kiện để tiếp tục kinh doanh.
Sau khi có thông tin này, tại các bãi cát sắp bị cưỡng chế nằm trên địa bàn xã Bình Nhâm và thị trấn Lái Thiêu (đều thuộc địa bàn thị xã Thuận An) đột nhiên tăng số lượng xe ben hoạt động rầm rộ, náo loạn ra vào bãi cát để “tháo” cát chảy khỏi nơi chuẩn bị cưỡng chế. Thậm chí, theo phản ánh của người dân ở xã Bình Nhâm, không chỉ hoạt động trên đường bộ, đường sông Sài Gòn còn xuất hiện một số xà lan chuẩn bị cập bến và có khả năng bơm cát để giải phóng cát trước ngày bị cưỡng chế.
Ngoài xử lý các bãi cát không đủ điều kiện kinh doanh, UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương chấn chỉnh các bến thủy nội địa hoạt động ngang sông và phương tiện đưa khách trên các tuyến sông của tỉnh. Theo Sở GTVT, sau vụ chìm du thuyền Dìn Ký làm 16 người thiệt mạng, đến nay đã tháo dỡ và buộc ngừng hoạt động 25 bến thủy nội địa hoạt động trái phép. Cụ thể, địa bàn thị xã Thủ Dầu Một đóng cửa 4 bến trái phép, Thuận An có 10 bến không phép buộc ngừng hoạt động và tháo dỡ riêng huyện Dầu Tiếng có 11 bến không phép bị buộc ngừng hoạt động.
Chí Tưởng