Do thiếu hụt cát xây dựng nghiêm trọng, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý triển khai đề tài nghiên cứu khai thác và xử lý cát nhiễm mặn tại khu vực đầm Thị Nại, để phục vụ san nền cho các công trình trọng điểm trên địa bàn.
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, đề tài có tên “Khảo sát đánh giá chất lượng, tiềm năng khai thác cát nhiễm mặn tại khu vực đầm Thị Nại để phục vụ san nền các công trình trên địa bàn tỉnh” được thực hiện theo kiến nghị của sở này và dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 6/2025.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh tỉnh Bình Định đang đối mặt với tình trạng khan hiếm cát xây dựng.
Theo Sở Xây dựng tỉnh, tổng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn trong giai đoạn 2026–2030 được dự báo gần 12 triệu m³, trong đó riêng dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku đã cần hơn 1,5 triệu m³ cát san nền, dự kiến khởi công trong năm nay.
Tuy nhiên, tổng trữ lượng cát có thể huy động khai thác trong hai năm 2024–2025 chỉ hơn 1 triệu m³, con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế, gây ra áp lực lớn cho tiến độ thi công các công trình trọng điểm.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định nhấn mạnh, việc nghiên cứu vật liệu thay thế như cát nhiễm mặn là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu khai thác hợp lý, nguồn cát tại đầm Thị Nại không chỉ góp phần giải bài toán thiếu hụt vật liệu mà còn giảm áp lực lên các mỏ cát tự nhiên, bảo vệ môi trường.
Vì vậy, việc đảm bảo nguồn vật liệu là yếu tố sống còn để đảm bảo tiến độ thi công, đặc biệt là với các dự án hạ tầng trọng điểm như đường cao tốc và đường sắt cao tốc đi qua địa bàn.