Chỉ trong chưa đầy nửa năm, Bình Định đã thu hút 42 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 14.300 tỷ đồng – một con số khiến nhiều địa phương phải “ghen tị”. Từ những cụm công nghiệp nhỏ đến dự án tái chế vải polyester tỉ đô với đối tác Thụy Điển, tỉnh ven biển này đang thực sự bứt tốc.
Tăng gần 400% vốn đăng ký chỉ sau nửa năm
Tuần qua, từ ngày 9 đến 15-5, Bình Định tiếp tục ghi nhận thêm 3 dự án mới được cấp phép đầu tư trong các cụm công nghiệp, với tổng vốn hơn 631 tỷ đồng. Điểm chung: cả 3 đều do Công ty TNHH Thiên Hưng Mỹ Thọ làm chủ đầu tư, gồm cụm công nghiệp Bình Thành (huyện Tây Sơn), Nhơn Tân và Tân Đức – phần mở rộng (thị xã An Nhơn).
Theo Sở Tài chính tỉnh, tính đến giữa tháng 5, toàn tỉnh đã có 42 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 14.331 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số dự án tăng gần gấp đôi, còn vốn đầu tư thì tăng gần 400%.
Trong số này, có 35 dự án trong nước (12.391 tỷ đồng) và 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn hơn 1.940 tỷ đồng, tương đương khoảng 77,5 triệu USD.
Các lĩnh vực được nhà đầu tư "chọn mặt gửi vàng" chủ yếu là công nghiệp (27 dự án), xây dựng – hạ tầng (8 dự án), thương mại dịch vụ – du lịch (4 dự án), và nông – lâm – thủy sản (3 dự án). Ngoài ra, Bình Định cũng đã điều chỉnh tăng vốn cho 49 dự án đang triển khai, bổ sung thêm 2.213 tỷ đồng.
Tập đoàn Thụy Điển chọn Bình Định làm nơi đầu tư tổ hợp tái chế tỷ USD
Điểm nhấn lớn nhất trong bức tranh đầu tư của Bình Định tính đến nay chính là bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh và Tập đoàn Syre (Thụy Điển) – một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất tái chế vải polyester.
Dự án có quy mô thiết kế lên đến 250.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, chia sẻ: “Đây không chỉ là dự án đầu tư đơn thuần, mà còn là biểu tượng hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trong lĩnh vực công nghiệp xanh, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”.
Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Định 2025 tổ chức cuối tháng 3, tỉnh đã trao quyết định đầu tư và ký biên bản ghi nhớ cho 62 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới hơn 231.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 80% dự án được ký ghi nhớ trong năm 2024 đến nay đã được triển khai thực tế.
Cách đây vài năm, Bình Định vẫn còn là một địa phương nằm ngoài "tâm điểm đầu tư" của miền Trung. Nhưng nhờ chính sách thu hút linh hoạt, đẩy mạnh cải cách thủ tục, đồng bộ hạ tầng và mở rộng không gian phát triển, tỉnh này đang dần lột xác.
Đường sá, sân bay, cảng biển được nâng cấp, các khu – cụm công nghiệp được quy hoạch rõ ràng, quỹ đất sạch sẵn có. Và quan trọng hơn, lãnh đạo tỉnh thể hiện rõ quyết tâm đồng hành cùng nhà đầu tư, đặc biệt với những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.