Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định - Phần Mở rộng đang tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nhiễm bị nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Bệnh nhân là chị N.T.N. (SN 1990, ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã phát bệnh trước đó 15 ngày với các triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi về chiều, vùng cổ trái sưng đau, nóng, đỏ. Bệnh nhận được chẩn đoán viêm hạch cổ khi đến khám tại một cơ sở y tế tư nhân và điều trị ngoại trú, nhưng bệnh trạng không giảm.
Ngày 30/9, bệnh nhân nhập viện tại Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định - Phần Mở rộng trong tình trạng sốt cao 40 độ C, sưng đau vùng cổ trái…
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán u vùng cổ trái áp xe hóa/ đái tháo đường típ 1 và được phẫu thuật làm sạch ổ áp xe, mô hoại tử; điều trị với các kháng sinh ceftazidim.
Bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Ảnh minh họa
ThS.BS Nguyễn Hữu Lành - Trưởng khoa Nội Tổng Hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định - Phần Mở rộng thông tin thêm, kết quả cấy máu cho thấy, bệnh nhân nhiễm trùng huyết Burkholderia pseudomallei. Sau khi điều trị với thuốc kháng sinh phù hợp, bệnh nhân hết sốt, vết thương sạch, đường huyết ổn định.
Theo BS Lành, bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Bệnh thường gặp ở những đối tượng giảm sức đề kháng do đái tháo đường và các bệnh gan, thận, phổi mạn tính…
Thời gian ủ bệnh từ 1 - 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện 2-4 tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn. Các triệu chứng ban đầu rất đa dạng, triệu chứng toàn thân: như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi đau đầu, chán ăn; triệu chứng tại chỗ như: sốt, loét, áp xe; triệu chứng ở các cơ quan như: ho, đau ngực…
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, các BS khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.