Biển Đông tại G7: Giải quyết như thế nào "phụ thuộc lớn" vào hành xử của Trung Quốc

Nhật Minh| 27/05/2016 11:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vấn đề Biển Đông là điều các nước muốn nói tại Hội nghị G7. Và theo Tổng thống Mỹ Obama, việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông như thế nào phụ thuộc lớn vào cách hành xử của Trung Quốc.

Chiều 26/5, Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 42 chính thức khai mạc tại thành phố Ise-Shima thuộc tỉnh miền Trung Mie, Nhật Bản với sự tham dự của nguyên thủ 7 nước Nhật, Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Italy, Canada và đại diện Liên minh châu Âu (EU).

Biển Đông tại G7: Giải quyết như thế nào

Các đại biểu tham dự Hội nghị G7. Ảnh chụp qua màn hình từ Trung tâm báo chí quốc tế/VOV

Chương trình nghị sự G7 nóng vì những thách thức toàn cầu

Diễn ra trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều mảng màu xám tối, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm và kỳ vọng vào những giải pháp hiệu quả mà các nhà lãnh đạo G7 đưa ra tại chương trình nghị sự để có thể giải quyết bài toán kinh tế - tài chính - thương mại toàn cầu đầy khó khăn, thách thức, nhất là khi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 diễn ra trước đó đạt được rất ít triển vọng.

Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của G7, các nội dung về chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, cuộc khủng hoảng nhập cư, tình hình Trung Đông, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Ukraine và an ninh hàng hải là những vấn đề được lãnh đạo các nước G7 đặc biệt quan tâm.

Lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á trong vòng 8 năm qua, Hội nghị thượng đỉnh G7 thứ 42 được đánh giá là cơ hội để Nhật Bản làm rõ vai trò cũng như những thách thức đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm kiếm sự ủng hộ (từ các nước thành viên G7 cũng như thế giới) đối với quá trình thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực phát triển một cách bền vững và hòa bình.

Vấn đề Biển Đông là “điều các nước muốn nói”

Đáng chú ý, liên quan tới vấn đề an ninh hàng hải, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác định, trong khuôn khổ Hội nghị này, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng về chủ đề “Ổn định và Thịnh vượng tại châu Á” sẽ nêu vấn đề xây dựng “Vùng biển tự do và ổn định”, trong đó bao gồm cả Biển Đông, là một trong những biện pháp cần thiết đưa khu vực tăng trưởng thịnh vượng.

Thậm chí, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 42, tờ Inquirer (Philippines) dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự Hội nghị G7 không phải là sáng kiến của nước chủ nhà, mà là điều các nước muốn nói.

Giới chức ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh, về cơ bản đối với vấn đề Biển Đông, chính quyền nước này chủ trương hướng tới vai trò và tầm quan trọng của các quy định pháp luật, việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết các cuộc tranh chấp.

Trong khi đó, tờ Asahi Shimbun dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung ngày 24/5 với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, thì khẳng định, đối với vấn đề Biển Đông, Chính phủ hai nước “đã thống nhất với nhau trong việc hợp tác để đảm bảo những vùng biển an toàn, tự do và hoạt động theo pháp luật”.

Như vậy, có thể thấy quan điểm của Chính phủ Nhật Bản, các nước thành viên G7, và hầu hết các nước có liên quan cũng như quan tâm đến vấn đề Biển Đông đều xác định xây dựng và duy trì an ninh, hòa bình, ổn định (trên Biển Đông) dựa trên luật pháp quốc tế là mục tiêu, chiến lược lâu dài và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Trung Quốc tỏ “thái độ” trước thềm Hội nghị G7

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh chiều 25/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng tuyên bố, những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông trong suốt thời gian qua là “để bảo vệ những quyền lợi “hợp pháp” và “chính đáng” của mình” (?). Một số nguồn tin khẳng định, phát ngôn của bà Hoa nhắm tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Biển Đông tại G7: Giải quyết như thế nào

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: Koreatimesus

Lý do được đưa ra là, sau cuộc gặp song phương với Thủ tướng Canada Justin Trudeau trước thềm Hội nghị G7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông báo với báo giới rằng, Nhật Bản và Canada cùng chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về “các hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông”, nhất là hoạt động xây dựng, cải tạo quy mô lớn và gia tăng quân sự ở Biển Đông.

Các Ngoại trưởng G7 cũng đã đưa quan điểm tương tự trong một thông báo sau cuộc họp tại Hiroshima hôm 11/4. G7 còn kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp hàng hải quốc tế, đồng thời thực hiện mọi phán quyết mang tính ràng buộc do Tòa án và Tòa trọng tài đưa ra.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã “triệu các phái viên từ các nước có liên quan, trịnh trọng bày tỏ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này”. Bởi theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, tuyên bố của các Ngoại trưởng G7 “có một số phần không chính xác và sai lầm”.

“Chuyện” Biển Đông phụ thuộc lớn vào hành xử của Trung Quốc

Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với người dân nơi đây cũng như bạn bè quốc tế, đêm 25/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bay sang Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7.

Trong cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản trước ngày khai mạc Hội nghị, Tổng thống Obama đã nhất trí với ông Shinzo Abe việc cần tìm cách để giải quyết các vấn đề cản trở kinh tế thế giới hiện nay, đó là sức cầu yếu và các biện pháp kích cầu.

Khi báo giới đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tổng thống Obama cho rằng, việc duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không, bảo vệ trật tự quốc tế trên Biển Đông “có lợi cho tất cả các bên, kể cả Trung Quốc”.

Ông khẳng định, Nhà Trắng ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, và giải quyết vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc “giải quyết như thế nào phụ thuộc lớn vào cách hành xử của Trung Quốc”.

Nhận lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại tỉnh Mie, từ ngày 26 - 28/5.

Trước đó, ngày 14/5, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, trả lời phỏng vấn một số hãng thông tấn, báo chí lớn của Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các nước tham dự Hội nghị có tiếng nói và hành động thiết thực đóng góp tích cực vào việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu cũng như khu vực.

Đồng thời Thủ tướng cũng khẳng định, lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thảo luận những vấn đề nêu trên.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biển Đông tại G7: Giải quyết như thế nào "phụ thuộc lớn" vào hành xử của Trung Quốc