Những ngày qua, những ai là người Việt có lòng tự tôn dân tộc đều có thái độ bất bình, phẫn nộ khi đọc bài “Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi tuyên bố” của D.Kozyrev - Hãng Thông tấn Nước Nga ngày nay.
Người viết là một nhà bình luận chính trị, nói về những vấn đề liên quan đến lịch sử Việt Nam và khu vực, nhưng bộc lộ kiến thức nghèo nàn, yếu kém và đầy tính cơ hội...
Trong bài viết của mình, Kozyrev cho rằng: “2.000 năm trước, Việt Nam là một phần của Trung Quốc” và chỉ thành một nước độc lập từ năm 880 (!) và từ đó, giới trí thức Việt Nam “cố chứng minh rằng Việt Nam không phải là Trung Quốc” (!). Kozyrev cũng cố chứng minh cho “mớ” hiểu biết này của mình bằng những thí dụ về sự giống nhau của Việt Nam với tỉnh Quảng Đông -Trung Quốc trong ngôn ngữ. Tranh cãi về vấn đề này thật ra là điều không cần thiết, bởi tất cả những điều này học sinh trung học cơ sở ở Việt Nam đều đã được nắm rõ. Tuy nhiên, với Kozyrev thì mọi việc lại tương đối khác. Việt Nam có câu ngạn ngữ “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe!” nên để có thể tiếp tục làm công việc của một bình luận viên chính trị, nhất thiết ông ta phải được giới thiệu lại về lịch sử Việt Nam.
Sử sách của cả Việt Nam và Trung Quốc đều thống nhất rằng, từ trước thế kỷ III trước Công nguyên (CN), với hai nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, Việt Nam là một nhà nước hoàn toàn độc lập với Trung Quốc, lúc này đang dưới thời Tam Quốc phân tranh. Âu Lạc rơi vào tay nước Nam Việt của Triệu Đà năm 180 trước CN. Sau trên 1.000 năm Bắc thuộc với các cuộc đấu tranh liên tục, năm 939, Việt Nam giành được độc lập và tiếp tục phát triển như một quốc gia độc lập, mặc dù luôn phải chiến đấu và chiến thắng trước những cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Binh lính Liên Xô trong cuộc xung đột với Trung Quốc năm 1969
Những người lính biên phòng Liên Xô hy sinh trước họng súng Trung Quốc
Nếu như không đọc được tiếng Việt, ông Kozyrev có thể tìm thấy những thông tin này trong Bách khoa toàn thư lịch sử Xô Viết (Советская историческая энциклопедия) phần Lược sử (Исторический очерк) của mục từ Việt Nam (Вьетнам), mặc dù những thông tin này cũng chưa thực sự đầy đủ. Bộ Bách khoa thư này, với tác giả của phần viết về lịch sử Việt Nam là nhà khoa học, Đông Phương học nổi tiếng Deopik (Д.В.Деопик) sẽ không cho phép Kozyrev xuyên tạc lịch sử hoặc chí ít cũng có kiến thức để viết bài một cách thuần túy.
Logic của Kozyrev khi phát biểu về cội nguồn nước Việt liệu có thể áp dụng cho việc tìm hiểu nguồn gốc của nước Nga chăng?
Sử sách của Nga cho biết, tiền thân của nước Nga ngày nay là Nhà nước Nga Kiev (Киевская Русь), tồn tại từ cuối thế kỷ IX đến giữa thế kỷ XII trên vùng đất Ukraina ngày nay, và Đại Công quốc Moskva (Вели́кое кня́жество Моско́вское), bắt đầu hình thành từ giữa thế kỷ XIII trên lãnh thổ của Kim Trướng Hãn Quốc (Золотая Орда). Với những thông tin này, nếu tuân thủ theo logic của nhà bình luận chính trị và nhà nghiên cứu Đông Phương Kozyrev, liệu người ta có thể kết luận rằng nước Nga ngày nay vốn là một phần của Ukraina, hoặc ngược lại; hay nước Nga là một phần của Mông Cổ?
Chắc rằng sẽ chẳng có ai, kể cả người Nga lẫn người Ukraina hoặc người Mông Cổ có thể chấp nhận cái logic đó.
Trở lại thời điểm hiện tại. Các nhà nghiên cứu không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới, kể cả Liên Xô và Nga ngày nay, đã có nhiều nghiên cứu chỉ rõ rằng, kể từ khi vừa thành lập (1949) cho tới nay, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa luôn có những yêu sách vô căn cứ về biên giới - lãnh thổ đối với tất cả các nước láng giềng, kể cả Việt Nam và Liên Xô - Nga.
Năm 1986, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cho ra mắt cuốn chuyên khảo Chính sách biên giới của Cộng hòa nhân dân Trung hoa - những mục tiêu chiến lược và phương pháp chiến thuật (1949 - 1984) của các giả E. D. Stepanov. Tác phẩm này đề cập tới những yêu sách biên giới vô căn cứ của Trung Quốc và những âm mưu, thủ đoạn thực hiện những yêu sách này của Trung Quốc đối với tất cả các nước có chung đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển với Trung Quốc. Vấn đề này cũng được các học giả Nga đề cập tới trong cuốn Trung Quốc - Nga 2050: Chiến lược cùng phát triển, xuất bản năm 2006 và nhiều công trình khác nữa.
Với tư cách là nhà bình luận chính trị và nghiên cứu Đông Phương, Kozyrev cần đọc những tài liệu này.
Về những hành động bành trướng của Trung Quốc đối với Việt Nam, vấn đề biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc có nhiều tranh cãi như đã từng được công bố trong Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nxb Sự thật, Hà Nội 1979, cũng như trong tác phẩm vừa nêu của Stepanov. Những vấn đề này đã được hai bên giải quyết vào năm 1999, và cho tới nay chưa có những thay đổi trên hiện trường.
Riêng đường biên giới trên biển, mặc dù cái gọi là đường lưỡi bò trên Biển Đông chỉ được Trung Quốc chính thức trình lên Liên hợp quốc từ năm 2009, nhưng liên tục từ những năm đầu sau khi lập nước cho đến nay, Trung Quốc luôn tìm cách bành trướng một cách bất hợp pháp ra biển Đông.
Năm 1956, họ bí mật chiếm một số đảo thuộc Hoàng Sa, vốn đã được Hội nghị Geneve 1954 (mà Trung Quốc tham gia) quy định quyền quản lý thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Năm 1974, lợi dụng chính quyền Sài Gòn lo chống đỡ với quân giải phóng, Trung Quốc dùng vũ lực tấn công chiếm một loạt đảo thuộc Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn. Về những điều này, "học giả" Kozyrev có thể dễ dàng tìm đọc tại Viện Viễn Đông, Moskva.
Xung quanh vấn đề Biển Đông, từ những năm 80 thế kỷ trước, Việt Nam đã luôn khẳng định mình có đủ bằng chứng, chứng minh tính liên tục của việc Việt Nam thực thi chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XIX. Tuy nhiên, Kozyrev lại copy nguyên văn giọng điệu của Trung Quốc về vị trí giữa Giàn khoan Hải Dương -981 và đảo Tri Tôn để chứng minh rằng, ở đây cái lý thuộc về Trung Quốc. Thiết nghĩ vị "học giả" này cần nghiên cứu để thấy, không chỉ Việt Nam là đối tượng của những yêu sách biên giới - lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay từ đầu những năm 50 thế kỷ XX, dưới cái vỏ bọc giành lại “những lãnh thổ bị mất”, Trung Quốc đã lộ rõ mưu đồ bành trướng lãnh thổ sang tất cả các nước láng giềng giáp ranh. Điều này được thể hiện trước hết trong bộ sách giáo khoa cho sinh viên đại học Lược sử Trung Quốc của tác giả Liu Peikhoa, do Bộ Giáo dục Trung Quốc ấn hành năm 1953. Trên tấm bản đồ Những vùng bị các nước đế quốc chiếm thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ (1840 - 1919), đính kèm cuốn sách vừa nói tới, những vùng lãnh thổ Liên Xô (cũ), được coi vốn là của Trung Quốc, gồm những vùng đất rộng lớn thuộc Kazakhtan, Trung Á, Zabaikalia, Đông Siberi, Primoria.
Tài liệu của Liên Xô (cũ) cũng chỉ rõ một số biện pháp Trung Quốc áp dụng nhằm giành lại “những vùng đất bị mất”. Ví như, từ những năm 60, Trung Quốc xin phép chính quyền sở tại Liên Xô cho dân Trung Quốc sang hoạt động làm ăn (đốn gỗ, đánh cá), sau đó họ cho hàng loạt dân và binh lính tự động sang sinh sống trên những vùng lãnh thổ Liên Xô, mặc cho sự ngăn cản của những đơn vị biên phòng nước sở tại. Những hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc dẫn đến cuộc xung đột vũ trang Trung - Xô tháng 3/1969 tại đảo Damiansky trên sông Oussuri. Xung đột vũ trang cũng xảy ra vào tháng 8 cùng năm tại vùng Semipalatin thuộc nước Cộng hòa Kazakhtan.
Nhìn một cách tổng quát, mưu đồ và những biện pháp thực tế xâm lấn của Trung Quốc ở Liên Xô (cũ) không có gì khác nhiều so với những hành động họ đã và đang làm ở Việt Nam.
Những nhà nghiên cứu về chính trị trên toàn thế giới đều biết, có lẽ chỉ duy nhất "chuyên gia chính trị" D.Kozyrev - Hãng Thông tấn Nước Nga ngày nay là không biết hay cố tình không biết.
Tiến sỹ Sử học Lê Trung Dũng (Viện Sử học Việt Nam)
(Kỳ sau: Giàn khoan Hải Dương 981 khác biệt với Damiansky")