Ngày 27/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Tham dự Đại hội có 184 đại biểu, đại diện cho hơn 5,5 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 96,95% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội đã xem xét và thống nhất thông qua các nội dung quan trọng như: Báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT năm 2023 và trọng tâm hoạt động năm 2024; Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch kinh doanh năm 2024; Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024… Đại hội cũng thông qua các văn kiện quan trọng, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của BIDV nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2024) và phù hợp thực tiễn hoạt động; cụ thể như nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát, Quy chế quản trị nội bộ BIDV.
Năm 2023, trên cơ sở tuân thủ các định hướng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023, HĐQT BIDV đã tập trung chỉ đạo toàn hệ thống quyết tâm, nỗ lực phát huy tối đa mọi nguồn lực, triển khai linh hoạt, sáng tạo các giải pháp; Tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ; Hoàn thành đồng bộ, vượt trội, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh doanh trên tất cả các phương diện quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả và phát triển thể chế; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của cổ đông và người lao động…
Tính đến hết 31/12/2023, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và ĐHĐCĐ giao, cụ thể như sau:
Những kết quả kinh doanh ấn tượng của BIDV được các tổ chức, cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao, cụ thể như: Tạp chí Forbes xếp hạng BIDV trong danh sách Global 2000 bao gồm 2.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu (vị trí 1.081, tăng 524 bậc so với năm 2022); Công ty tư vấn định giá Brand Finance xếp hạng BIDV trong Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới (vị trí 161, tăng 51 bậc so với năm 2022), Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023 và là thương hiệu có mức tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (69%); Tạp chí The Asian Banker bình chọn BIDV là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất năm 2024, BIDV là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam 9 lần nhận giải thưởng này; Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh 9 sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin của BIDV đạt giải Sao Khuê năm 2023…
Quán triệt chủ trương của Chính phủ, định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhằm triển khai thành công các mục tiêu tại Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các Chiến lược cấu phần của BIDV, đồng thời bám sát các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại BIDV giai đoạn 2021-2025, với phương châm hành động “Tinh giản quy trình – Chuyển đổi hoạt động”, năm 2024, BIDV đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu chính như sau: (i) Dư nợ tín dụng tăng trưởng tuân thủ giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao; (ii) Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả và các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; (iii) Lợi nhuận trước thuế phấn đấu tăng trưởng khoảng 10%, phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…
Đến hết Quý I/2024, kết quả kinh doanh khối ngân hàng thương mại của BIDV khả quan, bám sát kế hoạch đề ra: Tổng tài sản đạt trên 2,28 triệu tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; Huy động vốn đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng; Lợi nhuận trước thuế đạt trên 7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.