Ngày 10/6/2015, tại trụ sở TANDTC, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã tiếp Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp An-giê-ri do Ngài Tayeb Louh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Chưởng ấn An-giê-ri làm trưởng đoàn.
Thay mặt TANDTC Việt Nam và nhân danh cá nhân, Chánh án Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng được tiếp Ngài Tayeb Louh và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp An-giê-ri sang thăm, làm việc tại Việt Nam để trao đổi, tìm hiểu về việc mở rộng hợp tác pháp luật giữa hai nước. Chánh án Trương Hòa Bình tin rằng chuyến thăm của Ngài Bộ trưởng có tầm quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai quốc gia Việt Nam - An-giê-ri.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao đổi với Ngài Tayeb Louh
Vấn đề xuyên suốt của buổi làm việc, đó là việc cải cách tư pháp của hai nước. Về phía Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Việt Nam đang tiến hành công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết NQ 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Qua 10 năm thực hiện, Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định; những cải cách này mang lại thay đổi quan trọng và sâu sắc đến hệ thống Toà án Việt Nam. Theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì hệ thống TAND Việt Nam có những thay đổi lớn về thẩm quyền và cơ cấu tổ chức. Hệ thống TAND thay đổi cơ cấu từ 3 cấp sang 4 cấp, bao gồm TANDTC, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện. Về thẩm quyền, TANDTC chỉ tập trung vào nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về mặt tổ chức; xây dựng pháp luật; phát triển án lệ. TANDTC được tổ chức theo hướng tinh gọn, chỉ bao gồm Hội đồng Thẩm phán TANDTC có từ 13 đến 17 thành viên và Bộ máy giúp việc. Ở TAND cấp cao, TAND tỉnh, ngoài các Toà chuyên trách hiện có trong cơ cấu tổ chức của TAND như Toà Hình sự, Toà Dân sự, Toà Hành chính, Toà Kinh tế, Tòa Lao động, nay thành lập thêm Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Toàn cảnh buổi làm việc
Chế định bổ nhiệm Thẩm phán cũng có những thay đổi nhằm tăng cường tính độc lập của Thẩm phán. Trước đây, Thẩm phán được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm, hết nhiệm kỳ phải tái bổ nhiệm lại. Theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014 thì nhiệm kỳ đầu tiên của Thẩm phán được bổ nhiệm là 5 năm, nhưng các nhiệm kỳ tiếp theo kéo dài lên 10 năm. Cơ cấu tuyển chọn Thẩm phán cũng thay đổi theo hướng tập trung, thống nhất, bảo đảm chất lượng ứng cử viên cao hơn. Trước đó, có nhiều Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán tại mỗi tỉnh và Hội đồng tuyển chọn tại TANDTC; nay tất cả tập trung vào một đầu mối tại TANDTC. Cơ cấu Hội đồng tuyển chọn thay đổi theo hướng Toà án có tiếng nói mạnh hơn trong Hội đồng. Theo cơ chế mới, Thẩm phán phải thi đỗ kỳ thi Thẩm phán đầu tiên thì mới được bổ nhiệm và phải tiếp tục thi đỗ các kỳ thi tương ứng để được chuyển ngạch lên cấp cao hơn. Thủ tục bổ nhiệm cũng thay đổi, đặc biệt Thẩm phán TANDTC phải được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm. Những thay đổi này vừa nhằm mục tiêu bảo đảm sự độc lập, đồng thời bảo đảm chất lượng chuyên môn của đội ngũ Thẩm phán.
Chánh án Trương Hòa Bình và Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp An-giê-ri chụp ảnh sau buổi làm việc
Về đào tạo tư pháp, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh, đây là một vấn đề quan trọng, được TAND Việt Nam ưu tiên cải cách. TANDTC đã xây dựng đề án nâng cấp Trường Cán bộ Toà án của TANDTC lên thành Học vỉện Toà án. Điều này có nghĩa là chức năng, nhiệm vụ của Trường sẽ được mở rộng hơn rất nhiều. Học viện sẽ có nhiều cấp đào tạo từ đại học luật, đến các cấp sau đại học. Các chương trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các chức danh làm việc tại Toà án cũng được mở rộng hơn, chuyên sâu hơn. Mục tiêu của cải cách này là nhằm bảo đảm nguồn nhân lực ổn định, lâu dài, chất lượng cao cho hệ thống TAND, đồng thời đáp ứng nhu cầu chung của xã hội. Hiện tại, TANDTC Việt Nam đang tiến hành xây dựng và nghiên cứu hàng loạt đề án nhằm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp như: xây dựng và phát triển án lệ, tăng cường tranh tụng tại Toà án, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động...
Chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở TANDTC
Về phía An-giê-ri, Ngài Tayeb Louh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Chưởng ấn cho biết: Từ năm 1999 đến nay, An-giê-ri cũng đang tích cực đổi mới hoạt động tư pháp trong đó có Tòa án một cách toàn diện, sâu rộng. An-giê-ri rất chú trọng đến đào tạo đội ngũ Thẩm phán và các cán bộ làm trong lĩnh vực tư pháp có chất lượng cao. Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật của An-giê-ri dần được hoàn thiện, tạo điều kiện để đất nước phát triển; quyền công dân được được pháp luật bảo vệ tối đa… An-giê-ri sẵn sàng chia sẻ, trao đổi với Việt Nam về cải cách ở lĩnh vực pháp luật và tư pháp, trong đó có kinh nghiệm về công tác xét xử.
Trong không khí cởi mở, hữu nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng thông báo tới Ngài Tayeb Louh cùng các thành viên Đoàn công tác Bộ Tư pháp An-giê-ri về tình hình Biển Đông và mong rằng Nhà nước, Chính phủ, nhân dân An-giê-ri ủng hộ Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp về Biển Đông trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm hòa bình an ninh trong khu vực và sự vẹn toàn lãnh thổ của các quốc gia liên quan. Thay mặt Đoàn công tác Bộ Tư pháp An-giê-ri, Ngài Tayeb Louh bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng đối thoại trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế.
Cũng dịp này, thay mặt TANDTC Việt Nam, Chánh án Trương Hòa Bình thông qua Ngài Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Chưởng ấn An-giê-ri gửi lời chào và lời mời Ngài Chánh án Toà án tối cao An-giê-ri sang thăm chính thức Việt Nam để hai bên trao đổi kinh nghiệm về công tác cải cách pháp luật, về kinh nghiệm xét xử của Toà án, đồng thời thảo luận về khả năng phát triển quan hệ hợp tác giữa Toà án hai nước.