Trải qua mối tình say đắm, chàng trai và cô gái quyết định tiến tới hôn nhân. Nhưng oái oăm thay, “người trong mộng” của chàng trai trong ngày rước dâu lại bị tráo đổi thành chị gái ruột của cô gái.
Màn “tráo đổi” cô dâu định mệnh
Khi chúng tôi tìm đến nhà bà Đoàn thị Xuân (SN 1937), ngụ trong một con hẻm nhỏ thuộc khu phố 4 (phường 19, quận Tân Phú, TP.HCM), gặp lúc bà đang tất bật phụ giúp công việc ở quán nước cho con trai. Biết chúng tôi đến để tìm hiểu về câu chuyện tình oan trái của mình, sau một hồi suy nghĩ, bà Xuân đã đồng ý kể cho chúng tôi nghe bi kịch của cuộc đời mình.
Câu chuyện đã lùi sâu vào dĩ vãng mấy chục năm rồi, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, bà Xuân vẫn không tránh khỏi những ngậm ngùi. Bản thân bà cũng không thể ngờ rằng bà có thể rơi vào một tình thế lạ lùng đến vậy. Ban đầu, người chồng của bà với bà chỉ có mối quan hệ “em vợ - anh rể”, nhưng sau đó lại là vợ chồng, và bi kịch cuộc đời bắt đầu khi bà quyết định lấy chung chồng với chị gái ruột của mình.
Câu chuyện oái oăm này xảy ra khi bà Xuân vừa bước sang tuổi 18. Bà Xuân là người con gái thứ năm trong gia đình có bảy anh chị em. Thuở ấy, với nét trẻ trung, xinh đẹp lại giỏi giang, bà Xuân đã khiến cho bao chàng trai phải say mê theo đuổi. Nhưng không ai lọt vào mắt xanh của cô gái đang ở độ tuổi xuân thì duyên dáng đó.
Một ngày nọ, bà Xuân tình cờ gặp một chàng trai làng bên hơn mình mười tuổi, tên là Lương Văn Thịnh. Giây phút đầu tiên gặp bà Xuân, trái tim của ông Thịnh đã loạn nhịp. Với nét thư sinh cùng với tài ăn nói của mình, ông Thịnh cũng đã chinh phục được trái tim của bà Xuân. Tình yêu nhanh chóng đến với hai người và sau một thời gian yêu nhau và họ quyết định tiến tới hôn nhân.
Trước lời thỉnh cầu của con trai, gia đình ông Thịnh cũng đã đồng ý và sang nhà bà Xuân để hẹn ngày cưới hỏi. Thế nhưng, thay vì đồng ý gả bà Xuân cho ông Thịnh, bố mẹ bà Xuân lại ngấm ngầm “nhắm” ông Thịnh cho bà Đoàn Thị Mến (chị gái của bà Xuân). Khi ấy, bà Mến đã bước sang tuổi 30 nhưng vẫn chưa có một tấm chồng, bà Mến luôn là tâm điểm cười chê, chỉ trích của hàng xóm. Để “cứu” con, tránh miệng tiếng cho gia đình, bố mẹ của bà Xuân đã quyết định cô dâu trong ngày cưới sẽ là bà Mến chứ không phải bà Xuân.
“Tôi biết bố mẹ tôi quyết định như thế vì họ có lý do riêng nên tôi cũng không hề oán trách. Lúc đó, tôi đã đau khổ rất nhiều nhưng biết làm sao vì tôi cũng không thể nào làm trái ý của người lớn. Hơn nữa, khi biết chị gái tôi cũng có tình cảm đặc biệt với ông Thịnh nên tôi đã quyết định từ bỏ đám cưới của mình”, bà Xuân kể.
Trong ngày cưới, khi biết cô dâu không phải là người mình thương yêu, ông Thịnh cũng rất đau khổ. Tuy nhiên, đứng trước sự việc đã rồi, người đàn ông này cũng đành nhắm mắt đưa chân, phó mặc cho số phận đẩy đưa mà không hề phản kháng. Sau đám cưới của người yêu với chị gái, vì không muốn ngày ngày đối diện với “anh rể” nên bà Xuân đã quyết định rời quê đi tha phương xứ người.
Tại mảnh đất Sài Gòn xa lạ, bà Xuân đã phải vất vả bươn chải để kiếm sống, chịu không biết bao nhiêu tủi cực. Bà phải làm tất cả mọi việc, từ phụ hồ, công nhân xưởng gỗ cho đến giúp việc cho những gia đình khá giả. Cuộc sống khó khăn, lại rơi vào mất mát ngay từ mối tình đầu, bà Xuân đã quyết định “đóng cửa trái tim”, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ.
Bi kịch kiếp chồng chung
Mãi cho đến cuối năm 1963, sau 8 năm mưu sinh nơi xứ người, bà Xuân hay tin bà Mến mắc phải căn bệnh ung thư đại tràng nên quyết định quay trở về quê hương. Biết mình không thể qua khỏi, bà Mến đã gọi bà Xuân và ông Thịnh đến để trăng trối ý nguyện cuối cùng.
Suốt những năm qua, bà Mến sống trong nỗi day dứt vì bà mà bà Xuân phải lỡ duyên nên khi biết mình sắp ra đi, bà Mến bày tỏ ước nguyện cho cô em gái của mình và ông Thịnh được hưởng hạnh phúc dù muộn màng. Khi đó, mặc dù trong lòng bà Xuân vẫn còn thương nhớ đến người “anh rể”, nhưng bà vẫn nhất quyết từ chối, bởi vì bà không muốn mình làm chuyện trái với đạo lý.
“Khi biết ý định của chị gái tôi thì ông Thịnh cũng tỏ ra rất bất ngờ nhưng rồi ông ấy nói rằng sẽ nghe theo quyết định của tôi. Tôi biết, vì vẫn còn thương tôi và vẫn còn đau đáu nỗi đau không thể kết nghĩa phu thê với tôi nên ông Thịnh mới để cho tôi quyết định. Nhưng rồi vì muốn chị gái có thể nhắm mắt xuôi tay mà an nghỉ nơi chín suối, nên tôi đã đồng ý sẽ làm theo di nguyện của chị gái khi chị qua đời và hứa sẽ chăm sóc hai đứa con nhỏ của chị mình như con ruột”, bà Xuân xúc động kể lại.
Một năm sau bà Mến qua đời, để lại hai đứa con gái nhỏ, khi ấy đứa lớn mới lên 6 tuổi còn đứa nhỏ mới chỉ 4 tuổi. Thương chị gái bao nhiêu, bà Xuân cũng thương hai đứa cháu gái nhỏ của mình bấy nhiêu. Bà Xuân đã quyết định về sống cùng “anh rể” để chăm sóc hai đứa cháu nhỏ tội nghiệp.
“Lúc tôi quyết định về chung sống với ông Thịnh, một phần vì muốn thực hiện lời hứa với chị gái, một phần cũng vì bản thân. Bởi vì, suốt chín năm trôi qua kể từ ngày đám cưới giữa tôi và ông Thịnh không thành, tình cảm của tôi đối với ông ấy vẫn không hề thay đổi”, bà Xuân nói.
Thế nhưng, chuyện bà Xuân “chung chồng” với chị gái lại bị dư luận lên án và chê cười. Câu chuyện của bà bị người đời thêu dệt và truyền tai nhau khắp nơi. Lúc này, bà Xuân phải hứng chịu rất nhiều tai tiếng. Đau đớn, tủi nhục vì không được sự chấp nhận của mọi người nhưng bà Xuân vẫn không hề hối hận với quyết định của mình. Sau đó, hai vợ chồng bà Xuân quyết định dẫn hai con vào Sài Gòn để lập nghiệp, để lánh xa miệng tiếng của dư luận.
Giờ đây, sau nhiều năm chung sống, bà Xuân và ông Thịnh cũng sinh được ba người con, hai trai và một gái. Họ sống với nhau khá đầm ấm, hòa thuận, cho đến năm 2009 thì ông Thịnh mất.
“Tôi coi dì Xuân như mẹ ruột” Trò chuyện với chúng tôi, chị Lương Thị Nhị (SN 1958, con gái thứ hai của ông Thịnh và bà Mến) chia sẻ: “Khi tôi lớn lên, mẹ tôi (bà Xuân – PV) cũng đã kể cho chúng tôi nghe mọi chuyện. Tôi không hề oán trách mẹ mà ngược lại tôi lại càng thương yêu mẹ tôi hơn. Bởi vì khó khăn lắm, gia đình chúng tôi mới có thể vượt qua mọi điều tiếng mà sống hạnh phúc bên nhau. Chính vì vậy mà tôi luôn quý trọng và xem mẹ như mẹ ruột của mình vậy”. |