Tại lễ kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 và đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng chiều ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mong Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp tục phát triển, là bệnh viện hạng đặc biệt, chuyên sâu, của khu vực miền núi phía Bắc.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho 2 tập thể Khoa, Trung tâm của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bí Thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cùng đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế và các Sở, Ban, Ngành tỉnh Thái Nguyên.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên được thành lập từ năm 1951, với nhiệm vụ ban đầu là Y tế dân công, phục vụ kháng chiến cứu quốc và phòng bệnh cho 19 khu y tế thuộc Liên khu Việt Bắc. Ngày nay đã trở thành Bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, với quy mô trên 2.000 giường bệnh, 1.500 thầy thuốc, CBYT, chuyên gia chất lượng cao, chuyên sâu; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế được đầu tư hiện đại, đồng bộ; phát triển toàn diện về chuyên môn, khoa học kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực y tế; chuyển giao kỹ thuật – Chỉ đạo tuyến nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; đang đẩy nhanh, mạnh số hóa bệnh viện, …
Số lượt bệnh nhân liên tục tăng qua các năm, từ 250 nghìn lượt người khám bệnh (năm 2010) lên 400 nghìn lượt người (năm 2022). Người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú hàng năm đều tăng, trung bình từ 105 - 120%, số ca phẫu thuật và phẫu thuật đặc biệt đều tăng theo tỷ lệ khám và điều trị. Bệnh viện đã cơ bản thực hiện hết danh mục kỹ thuật của Bệnh viện hạng đặc biệt, tiêu biểu như: Cấp cứu ngừng tuần hoàn, cấp cứu đột quỵ tim, đột quỵ não, đa chấn thương phức tạp, điều trị thay huyết tương, siêu lọc máu, phương pháp hạ thân nhiệt, tim mạch can thiệp mạch, chụp mạch vành, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn; cấp cứu nhiều trường hợp tai biến sản khoa rối loạn đông máu, trẻ sinh non; đang tập trung phát triển hỗ trợ sinh sản, điều trị vô sinh, ….
Bệnh viện đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép thận từ người cho sống với tỷ lệ ghép thành công 100% (29 cặp), mổ tim kín, tim hở, phẫu thuật khâu nối mạch máu; cắt u phổi, u trung thất; ứng dụng cánh tay robot trong phẫu thuật cột sống; phẫu thuật u não, u tủy sống, phẫu thuật khớp háng, khớp gối,…bằng nhiều phương áp tiên tiến hiện đại, ít xâm lấn. Thực hiện thường quy kỹ thuật vi phẫu như trồng, nối lại chi thể đứt rời; chuyển gân, chuyển vạt, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ…
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Trong chẩn đoán hình ảnh, điện quang can thiệp và thăm dò chức năng là một trong những thế mạnh của Bệnh viện như can thiệp lấy huyết khối mạch máu não; nút mạch phế quản, tử cung, gan; nút phình mạch não, tuyến tiền liệt; đặt stent đường mật;… ; nội soi cầm máu, sinh thiết dạ dày, đại tràng, siêu âm chẩn đoán bệnh lý tim mạch, sàng lọc trước sinh; phát hiện sớm ung thư;…
Các khoa lâm sàng đạt chuẩn ISO 15189, đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như chẩn đoán sớm bệnh tim mạch cấp; sàng lọc ung thư sớm; sàng lọc dị tật bẩm sinh của thai nhi qua máu mẹ; trao đổi huyết tương; gạn bạch cầu, tiểu cầu điều trị; bilan chẩn đoán bệnh lý hệ thống; điều trị bệnh máu lành tính và ác tính, sản xuất chế phẩm máu, định danh máu khó...; huyết thanh học chẩn đoán; định danh vi khuẩn gây bệnh; ứng dụng công nghệ gen - sinh học phân tử: đo tải lượng virus HIV và các virus, vi khuẩn khác bằng kỹ thuật realtime PCR; chẩn đoán sớm trước và sau sinh, chẩn đoán đột biến gen gây các bệnh lý di truyền...
Việc đồng bộ hóa các giải pháp đã mang lại hiệu quả cao, tạo bước đột phá nâng cao chất lượng bệnh viện. Điểm đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí của Bộ Y tế liên tục tăng mạnh từ 2,86 điểm năm 2014 lên và duy trì ở mức trên 4 điểm các năm sau đó. Mức độ hài lòng của người bệnh đạt trên 95%.
Trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID – 19, Bệnh viện đã thích ứng linh hoạt hoàn thành tốt "nhiệm vụ kép", vừa chống dịch, vừa khám chữa bệnh phát triển chuyên môn kỹ thuật. Bệnh viện thành lập Trung tâm Hồi sức COVID -19 Trung ương tại Long An quy mô 500 giường ICU và thành lập 02 Trung tâm tại Thái Nguyên với quy mô 500 giường. Tỷ lệ khỏi bệnh cao.
Với những thành tựu và đóng góp vào sự nghiệp y tế, sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2020); tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba (năm 2011) và hạng Nhì (năm 2022) và nhiều phần thưởng cao quý đối với các tập thể và cá nhân thuộc Bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao những thành tích mà bệnh viện đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời gian qua và mong muốn tập thể bệnh viện tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, giữ vững tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, sáng tạo đổi mới tiếp tục xây dựng phát triển Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là bệnh viện hạng đặc biệt, chuyên sâu, là tuyến cuối của khu vực miền núi phía Bắc. Trong đó, quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, mở rộng quy mô khám bệnh, chữa bệnh, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, các kỹ thuật cao trong lĩnh vực hồi sức tích cực, ngoại khoa, tim mạch… đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân trong khu vực. Đồng thời tăng cường đào tạo, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Thay mặt Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng cho biết sẽ phát huy truyền thống của ngành y tế, tập thể CBVC Bệnh viện tiếp tục và không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ, quy tắc trong giao tiếp ứng xử; đổi mới, hội nhập quốc tế và đồng bộ hóa các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh.