Trong thực tế điều trị thời gian gần đây, các bác sĩ nhận thấy tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn, đặc biệt tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng có dấu hiệu nhiều lên, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.
Thông tin tại hội nghị khoa học "Cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi" diễn ra trong 2 ngày 9-10/3 tại Hà Nội, PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh ung thư ngày càng có xu hướng tăng, tỉ lệ ung thư ngày càng trẻ hóa và ung thư phổi cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Theo tổ chức ghi nhận ung thư thế giới GLOBOCAN 2020, ung thư phổi là một trong ba loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca cũng như tỷ lệ tử vong gần 24.000 ca hằng năm ở cả 2 giới, sau ung thư gan.
Thăm khám cho bệnh nhân ung thư phổi tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai).
Thời gian gần đây, trong thực tế điều trị, các bác sĩ nhận thấy tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn, đặc biệt tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng có dấu hiệu nhiều lên, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.
"Trước đây, chúng tôi chỉ gặp bệnh nhân ung thư phổi trên 50 tuổi, bệnh nhân ung thư phổi là nam giới, thì ngày nay, gặp cả ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi, gặp ở nữ giới", PGS.TS Cẩm Phương nói.
Như trường hợp người nữ bệnh nhân 36 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai khám trong tình trạng phổi kích thước lớn, kèm theo tổn thương di căn màng phổi, tổn thương di căn gan, di căn hạch, di căn xương, di căn não, bệnh nhân đau đớn.
Qua khai thác, bệnh nhân từ nhỏ đã ở cùng với cậu ruột và người cậu này thường xuyên hút thuốc lá. "Chúng tôi nghĩ nhiều đến việc hút thuốc lá thụ động từ nhỏ khiến nữ bệnh nhân dù rất trẻ đã mắc ung thư phổi", PGS Phương nói.
Khi đến viện, thể trạng bệnh nhân yếu và từ chối các phương pháp điều trị, hiện chỉ có thể điều trị triệu chứng. Ngoài ra, thường nữ giới mắc ung thư phổi mang đột biến gen, có thể điều trị trúng đích, còn bệnh nhân này không mang gen đột biến, chỉ có thể áp dụng điều trị hóa trị, miễn dịch, nên tiên lượng rất nặng nề.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực y học hạt nhân và ung bướu cho biết, khoảng 10 năm trước, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn với các tổn thương ung thư di căn phổi, màng phổi, di căn xương, di căn gan, di căn não thường chỉ sống được hơn 6 tháng.
Tuy nhiên, với những tiến bộ trong điều trị bệnh ung thư phổi đã đem đến hiệu quả điều trị khá cao dù bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tổn thương di căn. Khi áp dụng các phương pháp điều trị đích, điều trị miễn dịch, phương pháp xạ trị… có những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn sống thêm 8 - 9 năm. Bên cạnh đó, việc phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm cho phép điều trị hiệu quả, thậm chí chữa khỏi.
Theo các chuyên gia, hiện trong điều trị ung thư phổi có nhiều tiến bộ.
Nói về kỹ thuật điều trị ung thư phổi nói riêng và một số loại ung thư khác, PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Nội soi Robot, Trưởng Khoa Ngoại bụng I cho biết, 2 đặc tính quan trọng nhất của ung thư là tái phát và di căn.
Sự phát triển của tế bào ung thư là sự nhân lên vô độ, không kiểm soát được của một nhóm tế bào. Để hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp xạ trị, phẫu thuật (lấy tối đa tế bào ung thư)…
Đối với bệnh nhân ung thư, muốn điều trị hiệu quả thì không chỉ cần thuốc mà còn phải kết hợp nhiều yếu tố như dinh dưỡng, tinh thần. Thậm chí có những nghiên cứu chỉ ra tình cảm gia đình, tinh thần tốt giúp bệnh nhân tăng miễn dịch nội sinh trong cơ thể.
Theo BS Bình, hiểu biết về cơ chế miễn dịch trong điều trị ung thư giúp cho thầy thuốc cá biệt hóa bản chất đột biết gene, thay đổi ức chế, dấu ấn miễn dịch.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư giúp chống lại cơ chế này của khối u bằng cách đánh dấu tế bào ung thư, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra và tấn công các tế bào ung thư, từ đó, làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn tế bào ung thư lan rộng sang các cơ quan khác trong cơ thể và cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.
"Bệnh viện K đang ứng dụng liệu pháp miễn dịch trong ung thư vú, đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư liên quan tới hệ thần kinh và ung thư ở trẻ nhỏ… bước đầu đã có những kết quả rất khả quan", PGS Bình nói.
Gần đây nhất, các bác sĩ đã kết hợp nhiều phương pháp xạ trị, hóa chất và liệu pháp miễn dịch cho một sản phụ trẻ quyết tâm sinh con dù đang bị ung thư giai đoạn muộn gây suy sụp sức khỏe.
Theo các chuyên gia, để phòng ung thư phổi, cần hạn chế các chất, tác nhân gây bệnh ung thư như thuốc lá, thực phẩm, hóa chất độc hại... Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ...
Về dấu hiệu nhận biết ung thư phổi, người bị ung thư phổi thường có các dấu hiệu báo động đỏ như: ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh, có bệnh nhân giảm đến 10kg trong 3 tháng.
Tuy nhiên, ho là dấu hiệu gặp trong ung thư phổi nhưng ho cũng biểu hiện rất nhiều bệnh lý khác. Nên nếu xuất hiện ho nhiều, ho ra máu, đau đầu, đau ngực, thỉnh thoảng bị co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh cần đi khám sức khỏe sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.