Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị bổ sung quy định, người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền đã mua thuốc, vật tư y tế trước khi ra viện.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Hoàn trả tiền cho người bệnh tự mua thuốc
Trước tình trạng bệnh nhân BHYT phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài do cơ sở khám chữa bệnh không, liệu có được thanh toán... Đại biểu Đinh Văn Thê - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị bổ sung thanh toán cho người bệnh trong các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế.
Theo đó, đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị bổ sung vào Điều 31 nội dung quy định về các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác.
Theo đó "Người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền đã mua thuốc, vật tư y tế trước khi người bệnh ra viện; tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán".
Cũng theo đại biểu, thời gian qua, mặc dù đã ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh nhưng có tình trạng cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán kịp thời, đúng thời hạn chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hợp đồng. Điều này làm cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của khám, chữa bệnh.
Để đảm bảo quan hệ bình đẳng giữa hai bên giao kết, ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm xã hội phải thanh toán kịp thời, đúng thời hạn chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm thanh toán theo quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Cần quy định về công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Cùng quan điểm, Đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị quy định thanh toán theo định mức thuốc, vật tư y tế quy định của quỹ BHYT cho người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế theo đơn thuốc của bác sĩ ở ngoài thị trường do cơ sở khám chữa bệnh không có.
Ông Hải cũng đề nghị quy định cụ thể hơn việc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế khi điều chuyển giữa các cơ sở khám chữa bệnh để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân. Nếu điều chuyển không kịp thời sẽ gây khó khăn cho người bệnh.
Tương tự, Đại biểu Trần Chí Cường- Đoàn ĐBQH Tp Đà Nẵng cho rằng mặc dù dự thảo Luật có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và chi phí dịch vụ cận lâm sàng ở khoản 4, khoản 5. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, việc bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào mới đang là vấn đề thực tế được rất nhiều cử tri quan tâm hiện nay.
“Mặc dù trước khi trình dự thảo Luật tại Kỳ họp này, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi nhận thấy Thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng như không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay… Bên cạnh đó, điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán quy định tại Thông tư 22 cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện”, đại biểu Cường nêu rõ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi đi khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT.
Dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung nhiều quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, giảm bớt thủ tục hành chính và tăng cường tiếp cận dịch vụ. Theo đại biểu, dự thảo Luật lần cần quy định cụ thể lộ trình liên thông và công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chậm nhất trước ngày 1/1/2026. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách tài chính của các gia đình có người thân đi khám bệnh, chữa bệnh.