Chiều 30 Tết, khi những gian hàng ngoài chợ đã vãn, cây quất, cành đào đã được trưng, ban thờ gia tiên đã có bánh chưng xanh, có câu đối đỏ, nén trầm hương được thắp và những đứa con từ nơi xa đã trở về nhà, đó là lúc mâm cơm tất niên được dọn ra.
Bên khói trầm hương là tình thân ấm áp, chan hòa, tươi vui là tiếng nói cười trong niềm vui đoàn viên, xum họp để đón chào một mùa xuân mới…
Tôi còn nhớ, cứ mỗi chiều 30 tết, những đứa trẻ như chúng tôi vô cùng khấp khởi, vui mừng. Tuổi thơ nghèo khó của những năm đất nước vừa trải qua chiến tranh khiến cho giấc mơ về một cái Tết đoàn viên thực sự có ý nghĩa.
Ngay từ sáng sớm, mẹ đã chuẩn bị đủ đầy cho mâm lễ gồm hoa quả, trầu cau, bánh chưng, xôi gấc, giò lụa, dưa hành, canh măng và nhiều món ăn khác nữa để bày biện trên ban thờ gia tiên. Nhà cửa cũng đã được quét dọn sạch sẽ để chuẩn bị đón mừng năm mới.
Chiều 30 Tết, mẹ thở dài chờ đợi chuyến tàu cuối cùng về quê, chuyến tàu ấy sẽ mang theo ba tôi trở về nhà. Niềm vui của mẹ, của tôi chỉ ánh lên khi bóng dáng ba lẫn lộn trong ráng chiều, trong khói trầm và không khí ảm đạm chiều cuối năm.
Tôi nhớ, tôi đã mong đến Tết từ hàng tháng trước đó, Tết tôi được mẹ may cho bộ quần áo đẹp, được ăn mứt Tết, được gói bánh chưng với bà, được quét vôi ve nhà cửa với mẹ và được mong ngóng được gặp ba. Với tôi những ngày Tết vô cùng ý nghĩa, tôi chưa hiểu sâu sắc hết sự đoàn viên, tôi chỉ nghĩ Tết ba về sẽ cho tôi những gói kẹo xanh đỏ, thậm chí những chiếc vòng tay kết bằng hạt cườm xinh xắn, cứ như thế, tôi khắc khoải mong Tết hằng ngày…
Lớn lên một chút, tôi vẫn mong đến Tết, bởi lúc ấy tôi không phải là người chờ đợi, mà tôi lại là người trở về. Một đứa con gái đi học xa nhà quanh năm, Tết là lúc tôi mong được về với gia đình mình. Tôi mong, được cùng mẹ đi chợ miền quê, chọn những con gà, con cá tươi ngon. Tôi mong được về cùng ba gói bánh chưng và làm món giò xào thơm nức mũi, tôi mong được đi chợ Tết, gặp vài cô dì họ hàng xa…và được khen, ôi sao mày lớn thế, đã về rồi ư cháu…Lúc ấy, tôi thấy tết gần gũi, hãnh diện biết nhường nào.
Nhiều năm sau ngày ra trường, đi làm, có những lúc tôi đã từng khoác ba lô đi khắp mọi miền, có lúc tôi thèm được ăn Tết ở một nơi “xa lạ” mà không phải quê mình. Nhưng tôi đi, đến ngoài ngày cúng ông Công – ông Táo, đôi chân tôi lại thôi thúc phải trở về. Tôi nhớ quê, nhớ gia đình mình quay quắt, nhớ cái lạnh miền bắc trung bộ hòa chung với khói trầm hương. Nhớ bữa cơm chiều 30 đến cháy lòng, khiến bước chân đưa tôi ra ga, trên chuyến tàu cuối cùng rời ga về quê đón Tết…
Với tôi, bữa cơm chiều 30 Tết có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nó gắn kết người thân, gắn kết tình yêu thương, nó khiến cho tấm lòng của những đứa con xa mong muốn được trở về với đất mẹ. Chỉ có nơi ấy, tình yêu thương mới đủ đầy, chỉ có nơi ấy, mọi hỉ nộ ái ố mới rời xa. Và chỉ có nơi ấy, mới cảm thấy thực sự bình an, may mắn mỗi khi Tết đến Xuân về.