Giữa dải đất miền Trung khô cằn đá sỏi, có một con sông bắt nguồn từ huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa rồi cứ thế lặng lẽ vượt rừng, vượt ghềnh thác chảy xuôi qua Nông Cống, Tĩnh Gia, Quảng Xương đổ về với biển.
Theo dòng chảy của mình, sông Yên - hay còn được gọi là sông Mực, sông Nhà Lê - trải mấy trăm năm đắp bồi cho một vùng đất nghèo phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa còn ẩn chứa trong mình một câu chuyện đầy tính nhân văn.
Câu chuyện về những người chiến sỹ Công an nhân dân đi khai khẩn đất hoang, lập nên Khu sản xuất Thanh Lâm, tiền thân của Trại giam Thanh Lâm, với bạt ngàn cây trái. Để giờ đây, cái trại giam nằm ven bờ sông Yên ấy đã trở thành niềm tin cậy của nhân dân, trở thành bến hoàn lương của rất nhiều phận đời lầm lỡ...
35 năm chinh phục thiên nhiên
Theo chữ Hán, Thanh Lâm có nghĩa là rừng xanh. Đã là rừng thì ắt hẳn phải ngút ngát màu xanh cây cỏ, phải trù phú những sản vật thiên nhiên ban tặng. Nhưng không, 35 năm trước đây, cái tên ấy chỉ khơi gợi lên những hình dung xa xôi, nghèo khó và lạc hậu. Vùng đất này là một xã miền núi nằm ở phía Tây Nam huyện Như Xuân, địa hình chủ yếu là đồi núi và bị chia cắt bởi các khe, suối, dân cư thưa thớt đa phần là đồng bào Thái, Mường, Thổ… đời sống hết sức khó khăn, thiếu đói.
Đại tá Nguyễn Xuân Phòng (ngoài cùng bên trái) đi kiểm tra phạm nhân lao động
Tháng 3/1979, lịch sử vùng đất Như Xuân đã lưu lại một mốc son đánh dấu sự ra đời, trưởng thành của một đơn vị Công an nhân dân. Ngày đó, 52 cán bộ, chiến sỹ Công an đến từ mọi miền quê của Tổ quốc - những người được Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an giao nhiệm vụ xây dựng Khu sản xuất Thanh Lâm. Với diện tích được giao lúc đầu là 2.758ha, chủ yếu là rừng rậm, đất trống, đồi núi trọc, để biến rừng thành nhà, thành cơm áo, những chiến sỹ Cảnh sát Trại giam đã phải vượt qua biết bao gian nan, vất vả. Dẫu cực khổ chồng lên gian khó, dẫu bệnh tật đến cùng thiên tai, song dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của chi bộ Đảng do đồng chí Tô Bá Oanh làm Bí thư, những chiến sĩ cảnh sát trại giam đã động viên nhau làm việc để xây dựng nên một khu hành chính với nhiều phòng ở, phòng cho phạm nhân và hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp…
Đại tá Nguyễn Xuân Phòng (Phó Cục trưởng Cục Hậu cần – Kỹ thuật, Tổng cục 8, Bộ Công an), một trong tám đảng viên của Chi bộ Đảng đầu tiên khi thành lập Khu sản xuất Thanh Lâm kể lại rằng, những tháng ngày đầu tiên xây dựng đơn vị tại vùng rừng núi Thanh Lâm, các cán bộ chiến sỹ không chỉ phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mà nhiệm vụ của các anh lúc này cũng hết sức đặc thù, đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng và khả năng lý luận, thuyết phục sắc bén. Nhiệm vụ của các anh là quản lý số đối tượng mãn hạn tù được tha ở các trại giam đến cư trú bắt buộc, đối tượng ngụy quân, ngụy quyền và đặc biệt là bọn gián điệp, biệt kích có lịch sử chống phá cách mạng...
Cuối năm 1989, một bước ngoặt mới đã mở ra với khu sản xuất Thanh Lâm khi đơn vị chính thức được chuyển đổi thành Trại giam Thanh Lâm theo Quyết định số 186/QĐ/BNV của Bộ Nội vụ. Với chức trách, nhiệm vụ mới, trại giam Thanh Lâm đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản chế, giam giữ phạm nhân như sửa chữa, tu bổ công trình giam giữ, tường rào bảo vệ và chấn chỉnh đường lối làm việc từ Ban giám thị đến các phân trại và các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ…
Biến “sỏi đá thành cơm”
Thật khó đong đếm được biết bao tâm huyết, bao giọt mồ hôi và cả máu của tập thể cán bộ chiến sĩ và phạm nhân nơi đây đã đổ xuống đất cằn để màu xanh sự sống ngời lên nơi núi rừng xa vắng. Thanh Lâm ngày nay mang dáng vẻ của một khu lao động sinh thái với những khuôn viên được thiết kế đẹp mắt, những hàng cây rợp bóng và mặt hồ trong xanh. Với 6 phân trại và hai điểm sản xuất, Thanh Lâm giờ đây là ngôi nhà chung của 521 cán bộ chiến sĩ và hơn 5.000 phạm nhân đang thi hành án cải tạo tại đây. Đơn vị cũng đang sở hữu hàng trăm ha đất sản xuất, 163 ha đất trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ 1.700ha rừng nguyên sinh. Mỗi năm, hàng chục cánh rừng và đồng ruộng xanh bạt ngàn này đã mang lại cho trại giam Thanh Lâm một nguồn thu đáng kể, không chỉ tạo tiền đề để xây dựng cơ sở hạ tầng cho trại giam ngày một khang trang, bề thế hơn mà còn đóng góp nhất định vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương.
“Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, từ 8 đảng viên đầu tiên trong ngày đầu xây dựng, giờ đây, Đảng bộ trại giam Thanh Lâm đã có 19 chi bộ với 284 đảng viên, liên tục nhiều năm liền giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh” và “Đơn vị quyết thắng” trong lực lượng Cảnh sát trại giam. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn cơ sở… được tăng cường trên nguyên tắc đoàn kết, thống nhất, nâng cao tinh thần dân chủ…
Phát huy vai trò thanh niên xung kích, Đoàn cơ sở trại giam Thanh Lâm luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đoàn cơ sở trại giam Thanh Lâm cũng vinh dự hai lần được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối lực lượng vũ trang” và được Chủ tịch nước tặng “Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba”.
Công tác kiểm tra hồ sơ đặc xá, tha tù ở Trại giam Thanh Lâm
Có biết bao câu chuyện minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực vượt khó của những người chiến sỹ trại giam nơi đây. 35 năm là gần 13.000 ngày với biết bao buồn vui, mưa nắng. Chế độ chính sách đối với phạm nhân được thực hiện nghiêm chỉnh đã tạo được môi trường an toàn, lành mạnh cho phạm nhân cải tạo hoàn lương. Nền sản xuất của trại có mô hình đa dạng, nhiều ngành nghề phát triển vững chắc và nhiều triển vọng. Những chiến công ấy đã góp phần cùng toàn ngành xây dựng lực lượng Cảnh sát trại giam vững mạnh và đảm bảo an ninh quốc gia.
Dấu ấn Thanh Lâm hôm nay là hàng triệu gốc cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao như luồng, mía, tràm bông vàng, keo và dó bầu… đang mỗi ngày một lên xanh, một lan rộng phủ lên những vạt đất đồi hoang hóa, khô cằn.
Rừng đã xanh, những người chiến sỹ Công an Thanh Lâm lại lặn lội về với biển. Năm 2002, Ban giám thị trại giam đã nghiên cứu địa bàn và đặt vấn đề xin cấp đất để xây dựng cơ sở sản xuất cho trại. Không lâu sau đó, hàng trăm cán bộ chiến sỹ và phạm nhân đã xuống vùng cát trắng ven biển thuộc xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá để tổ chức cho phạm nhân và cán bộ đào ao và xây dựng công trình nuôi tôm trên gần 10ha cồn cát chang chang nắng gió. Sau 10 năm gây dựng, giờ đây, điểm sản xuất này đã trở thành một cơ sở nuôi trồng thuỷ hải sản theo phương pháp công nghiệp có quy mô lớn, tạo nên một hướng đi mới trong hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ở địa phương.
Có lẽ sẽ không quá lời khi nói rằng trại giam Thanh Lâm một trong những đơn vị có nhiều cách làm hay, nhiều phong trào độc đáo trong công tác giáo dục người lầm lỡ. Năm 2013, phong trào thi đua chấp hành án phạt tù do Ban Giám thị Trại giam Thanh Lâm phát động đã được phạm nhân trong toàn trại hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc, các phạm nhân đều yên tâm cải tạo, học tập nên kết quả xếp loại thi đua loại tốt và loại khá đạt gần 90%.
Đất lành cho “hạt thiện” nảy mầm
Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam Thanh Lâm, bảo rằng, có một minh triết được đúc kết trong quá trình lao động của nhiều lớp cán bộ và phạm nhân ở Thanh Lâm, đó là: “Con trai trai ngoài biển, một hạt cát vào cơ thể nó, nó bao bọc, đau xót rồi biến cát thành ngọc quý. Mỗi cây dó bầu bị chém vào thân, từ vết sẹo ấy, nó tiết nhựa, tiết “đề kháng”, biến nỗi đau thành trầm quý”. Còn với những phạm nhân nơi đây, liệu họ có vịn được vào lầm lỡ của mình ra để đứng dậy, có luyện được “ngọc”, được “trầm” cho đời mình hay không?
Dưới sự cảm hóa, giáo dục của tập thể cán bộ chiến sỹ trại giam Thanh Lâm, trai đã nhả ngọc và dó trầm đã tỏa hương thơm ngát. Nhiều phạm nhân từng có thời gian thụ án ở Thanh Lâm hẳn vẫn chưa quên được hình ảnh giám thị trại giam đã gác lại công việc bận rộn những ngày cuối năm để đến kiểm tra từng phòng giam, quan sát, động viên anh em phạm nhân phấn chấn tinh thần, nguôi nỗi nhớ nhà khi Tết đến, Xuân về, nhắc nhở anh em sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ để đảm bảo sức khoẻ sau một ngày lao động vất vả. Sự gần gũi và độ lượng của Ban giám thị đã trở thành tấm gương cho cán bộ chiến sĩ, tạo nên những hình ảnh đầy nhân văn của những người làm công tác quản giáo trong mỗi phạm nhân, thúc đẩy họ có thêm quyết tâm hoàn lương để trả lại cho đời những con người mới, nhân cách mới.
Trong hành trang của những người chiến sỹ trẻ Thanh Lâm hôm nay, có một thứ không thể thiếu: Đó chính là niềm tự hào về truyền thống của một đơn vị luôn dẫn đầu phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của Tổng cục Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp, hai lần được Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì và hạng Ba, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất...
Hai tiếng Thanh Lâm giờ đây không chỉ được nhắc đến trong niềm tin yêu của đồng bào các dân tộc huyện Như Xuân, mà cái tên đó đã và đang thắp lên cho những phạm nhân thi hành án cải tạo tại đây những niềm tin mới, những dự cảm tốt lành về tương lai của họ. Ở nơi đây, mảnh đất mà những người chiến sỹ Công an làm công tác quản giáo từ thế hệ này qua thế hệ khác đã gieo xuống bao hạt giống của tinh thần trách nhiệm và lòng vị tha, để rồi những con người từng bị bóng tối bao phủ cuộc đời sẽ như cây dó bầu, lặng lẽ uống nước nguồn xanh mát, hứng nắng trời đượm ngát và đón nhận tình cảm của bao người mà dần vươn cao, vươn thẳng để rồi tiết nhựa làm lành những vết thương trên cơ thể.