Trước các bế tắc về pháp lý và chính trị, Nghị viện vùng Catalonia đã buộc phải rời ngày bổ nhiệm người đứng đầu chính quyền hành pháp vùng này.
Bế tắc chính trị tại vùng Catalonia lại vừa tiến lên một nấc thang mới. Trong phiên họp mới đây, Nghị viện vùng Catalonia đã quyết định hoãn vô thời hạn lễ bổ nhiệm người đứng đầu chính quyền hành pháp của vùng, vốn dự định dành cho ông Carles Puigdemont.
Quyết định này được Chủ tịch Nghị viện Catalonia là ông Roger Torrent đưa ra do các bế tắc chính trị và pháp lý liên quan đến lễ bổ nhiệm hiện vẫn không được tháo gỡ. Cụ thể, cho đến nay, ông Carles Puigdemont vẫn không trực tiếp xuất hiện trước Nghị viện Catalonia, trong khi mọi kịch bản về việc bổ nhiệm và nhậm chức từ xa đã bị Toà Hiến pháp Tây Ban Nha bác bỏ và phán quyết là không có hiệu lực.
Ngay sau khi quyết định này được đưa ra, các đảng phái theo xu hướng ly khai tại Catalonia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Chủ tịch Nghị viện Catalonia rút lại quyết định.
Ông Carles Puigdemont
Trong khi đó, tuy không xuất hiện trước báo giới nhưng ông Carles Puigdemont cũng đã tung một đoạn video lên mạng xã hội, trong đó chính trị gia lưu vong này khẳng định sẽ không có bất cứ ứng cử viên nào khác hay một kịch bản nào khác để điều hành vùng Cataloni.
Hiện các nguồn tin từ Tây Ban Nha đều không xác định được chính xác ông Puigdemont vẫn đang ở Bỉ hay đã bí mật về nước. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định khả năng ông Puigdemont quay về Tây Ban Nha là rất thấp do chắc chắn sẽ bị bắt giữ.
Theo giới phân tích, kịch bản duy nhất giúp tháo gỡ thế bế tắc hiện nay là Nghị viện Catalonia sẽ phải chọn ra một ứng cử viên mới cho chức Chủ tịch chính quyền hành pháp vùng này.
Hiện, Tây Ban Nha đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở nước này trong vòng 40 năm qua, sau khi chính quyền khu tự trị Catalonia tháng 10 năm ngoái tổ chức trưng cầu dân ý và đơn phương kí vào một tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, một động thái mà Madrid khẳng định là vi hiến.
Chính quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy sau đó đã kích hoạt điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha nhằm khôi phục quyền điều hành trực tiếp đối với Catalonia, bãi nhiệm các quan chức chính phủ khu vực và tổ chức một cuộc bầu cử mới vào tháng 12.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử này, phe ly khai của Catalonia lại một lần nữa giành thế đa số trong quốc hội khu vực, khiến cuộc khủng hoảng tiếp tục rơi vào bế tắc.