Bế mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngọc Mai| 14/07/2018 09:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau ba ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, chiều 13/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của Phiên họp thứ 25.

Bế mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của Phiên họp thứ 25

Phát biểu kết luận tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến ba dự án luật; xem xét, thông qua bảy nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp, Chính phủ, thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, các dự án và tiến hành các bước tiếp theo, đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết đã thông qua để ký ban hành.

Những vấn đề còn có nội dung ý kiến khác nhau thì sẽ được khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh. Riêng Luật Phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sẽ chủ trì làm việc với các cơ quan có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng để bàn những nội dung còn có ý kiến khác nhau để tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Dự kiến các chương trình họp vào tháng 8 và tháng 9, tháng 10 đã gửi đến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã gửi đến cơ quan hữu quan để chủ động chuẩn bị. Những vấn đề thuộc ngân sách sẽ được tập trung giải quyết trong tháng 10 này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay từ giữa tháng 7 này cần chuẩn bị các nội dung cho việc chuẩn bị việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu.

Trước đó, chiều cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ.

Tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. 

Bế mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo báo cáo chiều 13/7

Trình bày Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ thực tế diễn biến kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri và Nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 5 với nhiều cải tiến thiết thực và hiệu quả

Theo dự thảo Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, sau 20,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thận trọng, trách nhiệm và quyết tâm cao, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 5 với nhiều cải tiến thiết thực và hiệu quả. Kỳ họp đã tập trung xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh, sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhìn chung, các nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định, chất lượng được nâng lên. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả. Các tài liệu, thông tin được cung cấp phong phú, đa dạng. Công tác phục vụ kỳ họp được bảo đảm, tạo sự yên tâm cho đại biểu trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, kết quả kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; tinh thần làm việc tận tụy, sự chuẩn bị công phu của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành khoa học, linh hoạt, quyết đoán của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch; sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự tham gia, đưa tin của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh, kết quả kỳ họp lần này cũng cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng hướng tới chiều sâu, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi, giám sát, đóng góp ý kiến thẳng thắn, kịp thời, có tính xây dựng. Quốc hội đã trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quyết định của Quốc hội.

Các dự án luật, nghị quyết đều được Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn

Cũng theo dự thảo Báo cáo, công tác lập pháp tại kỳ họp này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và được đông đảo cử tri quan tâm để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Các dự án luật, nghị quyết đều đã được Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định phù hợp trên cơ sở nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp Nhân dân.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, 07 Luật được thông qua nhằm tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các ý kiến đóng góp được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình xây dựng các dự án Luật. Những nội dung còn có ý kiến khác nhau được nghiên cứu, xem xét thận trọng, cân nhắc nhiều mặt, thực hiện gửi phiếu xin ý kiến đại biểu và biểu quyết một số điều trước khi biểu quyết thông qua toàn văn, nên các luật đã đạt được tỷ lệ tán thành cao.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng chỉ rõ, 09 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến là những dự án cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo chính sách mang tính đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Các dự án Luật đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến một cách chọn lọc và phù hợp với thực tiễn, trong đó nhiều ý kiến đã bổ sung quan điểm mới để hoàn thiện dự án Luật, làm cơ sở giúp các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, riêng đối với dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi. Việc lùi thời hạn thông qua dự án Luật này đã thể hiện tinh thần cầu thị, sự thận trọng cần thiết của Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, tại kỳ họp này Quốc hội cũng đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018. Nghị quyết được chuẩn bị công phu, khoa học, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tạo cơ sở cho công tác lập pháp những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội