Sau 3 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị tập huấn về quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án đã bế mạc dưới sự chủ trì của Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền.
Tham dự lễ bế mạc có các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, đại diện một số đơn vị thuộc TANDTC; lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An; Giám đốc, Phó Giám đốc, Hòa giải viên, Đối thoại viên các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền phát biểu bế mạc Hội nghị
Trước đó, tại buổi làm việc ngày 22/10, các đại biểu cũng được nghe và xem một số video phóng sự về công tác thí điểm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Hải Phòng đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm để các Tòa án khác triển khai sau. Đó là, việc chỉ đạo phải cụ thể, sâu sát, kịp thời, phân công cho hòa giải viên cụ thể, phù hợp. Bên cạnh đó cũng phân công các Thư ký hỗ trợ thêm.
Đối với các tranh chấp đất đai, Hòa giải viên phải nghiên cứu kỹ đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo và đặc biệt là đến tận nơi có tranh chấp để xem xét tại chỗ, tìm hiểu nguyên nhân; tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương sở tại… Đặc biệt là thường xuyên tổ chức họp, rút kinh nghiệm với Hòa giải viên để tìm hướng xử lý.
Tại Hội nghị, Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào cũng giải thích và đưa ra một số yêu cầu và kỹ năng cần thiết đối với Hòa giải viên. Theo đó, nhiệm vụ của người Hòa giải viên là hướng dẫn, giúp đỡ các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp, nói cách khác Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải thì vai trò như là "người thầy". Để làm được việc đó, đòi hỏi Hòa giải viên phải là những người có kiến thức pháp luật, nhất là kiến thức có liên quan đến những nội dung tranh chấp sẽ tiến hành hòa giải, có trình độ và khả năng giúp các bên giải quyết được các vấn đề tranh chấp.
Cũng theo Thẩm phán Tống Anh Hào, ngoài trình độ hiểu biết về pháp luật, Hoà giải viên cũng cần có kiến thức sâu rộng về xã hội, sự tinh tế, nhạy bén trong xử lý vấn đề thực tế trong cuộc sống, trên cơ sở đó sẽ giúp cho các bên tìm ra được những giải pháp tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn, những tranh chấp mà tự họ chưa làm được. Đồng thời, khi người Hòa giải viên có trình độ và năng lực tốt sẽ xây dựng được niềm tin và ấn tượng tốt đối với những người cần được hòa giải. Đó là cơ sở để giúp cho Hòa giải viên làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại buổi làm việc ngày 23/10, đồng chí Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC đã phân tích về thủ tục nhận đơn khởi kiện, yêu cầu đối thoại và phân công Đối thoại viên của Trung tâm hòa giải đối thoại.
Cụ thể, trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc do Tòa án chuyển đơn khởi kiện cho Trung tâm hòa giải, Giám đốc Trung tâm hòa giải phân công một Đối thoại viên xem xét, tiến hành đối thoại phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm của Đối thoại viên để kết quả đối thoại đạt hiệu quả cao. Trong quá trình đối thoại, nếu Đối thoại viên được phân công không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì Giám đốc Trung tâm hòa giải phân công Đối thoại viên khác thực hiện ngay nhiệm vụ. Trường hợp sau khi nhận hồ sơ vụ việc, Đối thoại viên phát hiện và cho rằng vụ việc thuộc trường hợp không được đối thoại theo quy định của Luật tố tụng hành chính, thì Đối thoại viên phải báo ngay cho Giám đốc trung tâm để xem xét.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Đối thoại viên phải có trách nhiệm làm rõ quan hệ pháp luật khiếu kiện; yêu cầu cụ thể của các bên; nguyên nhân phát sinh khiếu kiện; tính chất mức độ khiếu kiện; vấn đề mấu chốt của khiếu kiện; xác định tư cách của các bên; quan hệ giữa các bên trong vụ việc; tài liệu chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của các bên; những quy định pháp luật làm căn cứ pháp lý để giải quyết yêu cầu của các bên trong trường hợp cần thiết...
Thẩm phán Tòa án cấp cao Hoa Kỳ Gordon Low trao đổi tại Hội nghị
Đặc biệt, các đại biểu tham dự Hội nghị còn được lắng nghe Thẩm phán Tòa án cấp cao Hoa Kỳ Gordon Low trao đổi, thảo luận về các tình huống thực tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên để áp dụng vào thực tiễn thí điểm.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao công tác chuẩn bị, tinh thần và ý thức trách nhiệm của các đại biểu tham dự tập huấn. Đợt tập huấn này nhằm trang bị những kiến thức, những nội dung cơ bản để nâng cao kỹ năng cho Đối thoại viên và Hòa giải viên về những kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền mong muốn, với những kiến thức thu họach được thông qua buổi tập huấn, các đơn vị sẽ vận dụng hiệu quả, thực hiện tốt quy trình kỹ năng hòa giải, đối thoại tại cơ sở.