Ngày 14/12, thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, đã tiến hành nội soi gắp thành công 1 hạt cườm trong tai bệnh nhi L.A.N. (5 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên).
Theo lời kể của gia đình, trong lúc cháu chơi tại nhà N. đã vô tình cho 1 hạt cườm vào trong tai. Thấy cháu khóc lớn và kêu đau, nhức tai gia đình đã vội đưa cháu tới bệnh viện.
Tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, các bác sĩ phát hiện một dị vật nằm sâu trong tai sát màng nhĩ, che kín ống tai ngoài của bệnh nhi. Bệnh nhi được nội soi, gắp dị vật là một hạt cườm nhỏ, có đường kính 7 mm ra khỏi tai.
Nội soi gắp dị vật trong tai của bé N.
Theo các bác sĩ, do dị vật nằm rất sâu che kín ống tai ngoài và nằm sát màng nhĩ. Vì vậy quá trình gắp bỏ đã được tiến hành một cách cẩn trọng tránh gây tổn thương màng nhĩ và gây xước ống tai.
Từ trường hợp trên các bác sĩ khuyến cáo, dị vật trong tai là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em, nhất là khi chơi đã tự đút vào tai những vật như hạt bắp, hạt đậu, hạt cườm, một số mảnh vụn đồ chơi, bụi... Dị vật trong tai còn do một số côn trùng như kiến, gián... bò vào tai trẻ khi ngủ. Thường các dị vật trong tai bản chất không gây ra nguy hiểm gì cho trẻ nhưng chính những cách lấy dị vật ra không đúng cách có thể gây biến chứng, tổn hại nặng.
Các bậc phụ huynh không nên cho con em mình chơi các vật nhỏ hình tròn như hạt cườm, viên bi, hạt lạc... vì trẻ chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm và rất dễ bỏ vào lỗ mũi, tai, nhất là miệng, dễ gây sặc, nguy hiểm tính mạng nếu không xử lý kịp thời.
Khi có vật mắc trong tai, tuyệt đối tránh không được dùng dụng cụ như bông ngoáy tai, dụng cụ lấy ráy tai... để thăm dò vì có thể gây nguy cơ đẩy dị vật vào sâu trong tai và gây tổn thương những cấu trúc mỏng manh của tai giữa.
Bên cạnh đó, việc phát hiện và điều trị kịp thời là rất cần thiết nhằm tránh để lại những biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp trẻ mắc dị vật trong tai, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến các trung tâm y tế tin cậy để xử lý.