Cứ mỗi dịp Xuân về, Tết đến, cụ Cao Xuân Các, 80 tuổi ở thôn Vân Lôi, xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch lại chọn một ngày nắng ráo để đem báu vật của quê hương, dòng tộc ra phơi. Báu vật chính là 18 đạo sắc phong triều Nguyễn ban cho làng...
Báu vật của làng
“Ô Châu cận lục”, cuốn lịch sử - địa lý của Tiến sỹ Dương Văn An (1514- ?) hiệu Tỉnh Phú, một người con ưu tú của làng Tuy Lộc, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy có đề cập đến làng Vân Lôi xưa, xã Quảng Hải bây giờ. “Ô Châu cận lục” được viết vào năm 1554, xét theo mốc thời gian, thì làng Vân Lôi có trước khi “Ô Châu cận lục” ra đời, hơn 450 năm tuổi.
Các cụ cao niên kể rằng: làng Vân Lôi nhanh chóng trở nên trù phú, khách thương trên thuyền, dưới bến tấp nập. Làng có một ngôi đình rất to, làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Đình cũng là nơi cất giữ những tài sản quý của cộng đồng. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Vân Lôi bị đốt cháy, theo thời gian, đình làng chỉ còn là sự hoài cổ. Những báu vật của làng không nơi cất giữ trôi nổi mỗi thứ một nơi. Theo các cụ già, trước đây làng có 3 chiếc kiệu đầu rồng sơn son thiếp vàng làm bằng gỗ vàng tâm do vua ban cho ba dòng họ lớn tại làng; 16 đạo sắc phong dưới triều Lê, 18 đạo sắc phong triều Nguyễn… Bây giờ, may mắn thay nơi gia đình cụ Cao Xuân Các vẫn còn giữ được 18 đạo sắc phong triều Nguyễn và chiếc kiệu gỗ vàng tâm.
Cụ Các đang trân trọng đem phơi 18 đạo sắc phong
Ngày chúng tôi tìm về xã Quảng Hải nhằm lúc tiết trời nắng ráo. Biết ý định của chúng tôi, cụ Các vui vẻ chấp thuận. Mặc áo quần chỉnh tề xong, cụ Các trèo lên phía chái nhà bên trái nơi thấp thoáng hình hài chiếc kiệu xưa kia nay xám mốc lại theo thời gian. Chưa hết một tuần trà đã thấy cụ Các ôm xuống một chiếc tráp. Cụ hỉ hả: “May mắn ngày ni nắng đẹp. Cho các cháu xem, luôn tiện đem phơi. Năm mô cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về, tết đến, cả nhà cũng đều mang ra phơi nắng, sợ bị hư hỏng”. Khoảng sân nhỏ trước nhà, chúng tôi cùng cụ Các bày những đạo sắc phong ra phơi, màu vàng của những đạo sắc phong vàng rực hòa cùng màu nắng, nét chữ Hán xưa đẹp như rồng bay phượng múa.
Những đạo sắc phong màu vàng, chữ Hán viết trên nền giấy dó, những bức có tuổi đời ít nhất được vua Khải Định (1916-1925) ban cũng gần tròn trăm năm. Thời gian, biến cố thăng trầm của một vùng quê vốn nhiều thiên tai như Quảng Hải không làm phai đi thần thái từng đạo sắc phong các vua triều Nguyễn ban tặng.
Cần có cách tiếp cận thấu đáo
Ông Hoàng Gia Hy - một nhà Hán học có tiếng ở xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới khẳng định như vậy khi được chúng tôi cho xem nội dung của 18 sắc phong triều Nguyễn. Ông dịch cho chúng tôi một đạo sắc phong của vua Khải Định, nội dung: Nhân dịp trẫm 40 tuổi nay xuống chiếu chuẩn y việc thờ phụng Thi Vận tướng quân là người có công hộ quốc, an dân. Phong ngài từ tước Trung tôn thần lên Thượng đẳng thần).
Chiều về trên vùng quê Quảng Hải an bình khi chúng tôi cùng cụ Cao Xuân Các trân trọng xếp từng đạo sắc phong vào chiếc tráp nhỏ. Rồi đây sẽ có các ngành chức năng đến để nghiên cứu thấu đáo 18 đạo sắc phong gia đình cụ đang cất giữ, để những giá trị văn hóa, tâm linh mãi mãi trường tồn trong dòng chảy văn hóa chung của quê hương, đất nước.
Thanh Long