Thị trường vàng trong nước đã tạm chững lại và dao động quanh mức 44,4 triệu đồng/lượng, sau 1 tuần phi mã.
Giá vàng lại có dấu hiệu tăng...
Nhiều ý kiến cho rằng, giá vàng trong tuần này sẽ ít có khả năng biến động mạnh. Cũng chỉ là dự đoán, nhưng điều quan trọng là chúng ta có rút được kinh nghiệm gì không từ cái thói “đỏng đảnh” của vàng?
Tâm lý đám đông
Như chúng ta đã biết, chỉ trong vài ngày của tuần qua, giá vàng tăng chóng mặt và chênh lệch tới trên 3 triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới. Giá vàng nhảy nhót từng phút, cuốn người dân nườm nượp đến các cửa hàng vàng giao dịch.
Cơn bão giá vàng bắt đầu hoành hành từ sáng 8-8 khi kim loại quý này lần lượt đi qua các mốc 42, 43 rồi 46,3 triệu đồng/lượng. Giữa lúc giá leo mức kỷ lục, 46,3 triệu đồng/lượng, đắt hơn thế giới gần 2 triệu đồng người ta vẫn bảo nhau rút tiền tiết kiệm, chầu trực xếp hàng để mua.
Và hệ lụy là trong khi số ít người dân được hưởng lợi khi bán với giá cao thì đã có nhiều người không am hiểu thị trường, đầu tư theo đám đông để rồi trở thành nạn nhân của việc mua với giá cao ngất.
Các doanh nghiệp và ngay cả Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định có sự đầu cơ, thao túng đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh hơn thế giới. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân thận trọng khi quyết định mua vàng để tránh thiệt hại không đáng có. Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên nóng vội bởi đây là giá ảo, là hậu quả của việc thiếu vàng nguyên chất trong thời kỳ ngắn hạn.
Ông Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu lý giải: nếu như giá vàng Việt Nam tăng nhanh so với giá vàng thế giới càng nhiều bao nhiêu thì dấu hiệu sụt giảm giá càng nhanh bấy nhiêu. Khi giá cao thì các nhà nhập khẩu sẽ nhanh chóng nhập vàng về để làm dịu cơn sốt. Cho nên người dân không nên vội vàng mua với giá quá đắt khi mà giá ở Việt Nam đã vượt quá xa so với giá vàng thế giới.
Không phải là giá thực, cho nên dù ở ngoài thị trường giá vàng phi mã thì các loại hàng hóa khác vẫn đứng ở thế rất vững. Nói cách khác, vàng không nằm trong rổ hàng hóa tính chỉ số tiêu dùng (CPI) nên xét về mặt kỹ thuật, kim loại quý này hầu như không ảnh hưởng đến các thị trường hàng hóa khác. Đến ngày 10-8, sau 2 ngày "sốt" vàng, theo quan sát của phóng viên, giá các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định và không có dấu hiệu "té nước theo vàng".
Liều thuốc trị đúng bệnh
Theo TS. Vũ Đình Ánh, trước đây vàng vừa đóng vai trò dự trữ, vừa là phương tiện thanh toán, thậm chí là thước đo giá trị, giống như một dạng đồng tiền mà nó song song tồn tại với đồng Việt Nam và đôla Mỹ. Nhưng sang đến năm 2011, những tác động này đã giảm đi rất nhiều và kéo theo đó, diễn biến của thị trường vàng đã ít tác động hơn rất nhiều đến các thị trường hàng hóa và dịch vụ khác. Do đó, với nền kinh tế nó cũng không có tác động và ngay cả tác động lan truyền của thị trường vàng trong 7 tháng của năm 2011 cũng đã thay đổi tính chất so với trước năm 2011.
TS. Vũ Đình Ánh cũng nhấn mạnh, trước năm 2011 diễn biến của giá vàng kéo theo biến động của nhiều lĩnh vực là do tác động của tâm lý và cũng có liên quan đến một số thị trường quan trọng như thị trường bất động sản hay mua những tài sản có giá trị lớn người ta thường quy ra vàng, thanh toán bằng vàng. Tuy nhiên sang năm 2011, chúng ta ít nhìn thấy tác động của câu chuyện này với thị trường vàng.
Doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam chua chát thừa nhận những biến động bất thường của thị trường thời gian qua đã biến họ vô tình trở thành công cụ thu gom cho các đầu mối xuất khẩu. Động thái cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung vàng trong nước của Ngân hàng Nhà nước mới đây được coi như một liều thuốc bắt đúng bệnh. Khi chưa một miếng vàng nhập khẩu nào cập bến Việt Nam thì cơn bão giá vàng đã suy yếu! Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là những thiệt hại khi vừa qua chúng ta đã xuất khẩu một khối lượng lớn với giá rẻ rồi nay lại nhập với giá cao trong lúc cả thế giới đang tích cực thu gom vàng.
Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 7-2011, lượng vàng xuất khẩu lên gần 30 tấn. Trước đó, tính đến 30-6, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 1,203 tỷ USD; riêng tháng 6-2011 xuất tới 806,255 triệu USD, tăng 133% so với tháng 5-2011. Do đó, lượng vàng trong nước giảm mạnh, không đủ để đáp ứng lượng cầu ngày càng tăng, gây mất cân bằng cung cầu. Và đây liệu có chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân xếp hàng chờ mua vàng?
Huyền Dũng