Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, tăng 39% cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành bất động sản chiếm tỷ trọng 66,75%.
Thị trường M&A bất động sản vẫn đang diễn ra sôi động, nửa đầu năm nay hàng loạt thương vụ đình đám được thực hiện.
Công ty cổ phần Vinhomes đã mua 32,2 triệu cổ phần Công ty cổ phần Phát triển GS Củ Chi, trở thành công ty mẹ với tỷ lệ sở hữu 98%. Đối tác chuyển nhượng của Vinhomes có thể là C.T Group.
GS Củ Chi là đơn vị phát triển dự án sân golfCủ Chi với tổng diện tích khoảng 200 ha, vốn đầu tư ban đầu là 42,6 triệu USD. Theo quy hoạch được duyệt, sân golf Củ Chi có cơ cấu sử dụng đất gồm đất sân golf và cơ sở hạ tầng phụ trợ chiếm diện tích từ 140 - 150 ha; đất giao thông và cây xanh chiếm 43 - 47 ha; còn lại là khu nhà ở biệt thự cho thuê khoảng 8 - 10 ha.
Cách nhanh nhất để nhà đầu tư ngoại thâm nhập thị trường Việt Nam là thực hiện M&A
Một số doanh nghiệp khác cũng thực hiện các giao dịch mua bán cổ phần. Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đã mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An.
Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín chi 126 tỷ đồng mua 70% vốn CTCP Thương mại Hải Phòng Plaza hay chi 251 tỷ đồng mua 100% vốn CTCP Sản xuất Xây dựng Dịch vụ Hoa Đồng.
Thị trường bất động sản tại Tp.HCM cũng ghi nhận sự quan tâm liên tục từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thương vụ điển hình thời gian qua là GIC đầu tư 1,3 tỷ USD vào Vinhomes, dưới hình thức mua cổ phần và cung cấp công cụ nợ.
Theo đó, GIC đầu tư 1,3 tỷ USD (tương đương 29.500 tỷ đồng) dưới hai hình thức là đầu tư mua cổ phần và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Thời điểm nhận đầu tư, Vinhomes đang điều hành 10 dự án với tổng số gần 18.000 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại. Hiện GIC là một trong những nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam với các khoản đầu tư vào các "ông lớn" như Masan Group, Vietjet Air, Vinamilk, FPT, PAN Group, Vinasun... Theo tính toán, tổng giá trị các khoản đầu tư này khoảng gần 15.000 tỉ đồng.
Tập đoàn Nam Long, Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), TBS Group và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp sẽ cùng góp vốn theo tỷ lệ dự kiến tương ứng 50%-35%-10% và 5% để cùng thực hiện giai đoạn 1 khu đô thị Waterpoint với tổng vốn đầu tư 6.900 tỉ đồng. Đây là dự án đảm bảo cho sự phát triển dài hạn của Nam Long trong 5-10 năm tới.
Mới đây nhất, Frasers Property, cánh tay đầu tư của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thông báo đạt được thỏa thuận mua lại Công ty Bất động sản Phú An Điền (PAD)- thành viên của Công ty bất động sản Trần Thái. Thương vụ này có giá trị khoảng 47,3 triệu USD giúp Frasers Property nắm giữ 75% cổ phần của PAD. Được biết, PAD đang phát triển dự án căn hộ kết hợp với thương mại tại phường Linh Trung, Thủ Đức. TP.HCM.
Cách đây không lâu, Frasers Property cũng chi ra 18 triệu USD để thâu tóm một dự án của Trần Thái tại Quận 2. Như vậy, chỉ tính riêng thị trường TP.HCM, Frasers Property đang sở hữu đến 3 dự án nhà ở thông qua con đường thâu tóm. Tất cả chúng đều nằm ở khu Đông Thành phố.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc hạn chế cho vay bất động sản, kiểm soát nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước đã buộc các nhà đầu tư trong nước tìm kiếm các nguồn vốn khác, trong đó có M&A. Trong khi đó, dưới con mắt của các nhà đầu tư ngoại, lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, mức sinh lợi cao khi so sánh với các thị trường trong khu vực.
Bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có tâm thế hứng khởi khi đầu tư vào thị trường địa ốc Việt Nam. Phân khúc nào của thị trường cũng thu hút vốn ngoại, từ văn phòng, bán lẻ tới căn hộ. Bên cạnh đó, cách nhanh nhất để nhà đầu tư ngoại thâm nhập thị trường Việt Nam là thực hiện M&A, khi quỹ đất phát triển dự án đang ngày càng hạn chế.