Vụ đốt cháy rụi chiếc xe ô tô Fortuner ở Hải Dương do nghi ngờ những người đi trên chiếc xe này dùng thuật thôi miên để bắt cóc thực sự đã khiến nhiều người bị sốc.
Một hành động vô pháp, kiểu hành xử theo "luật rừng" được thực hiện công khai dưới con mắt chứng kiến của cả ngàn người.
"Bắt cóc" - từ ngữ đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân trên đất nước này và thể hiện rất rõ với hơn 1.000 người dân chứng kiến vụ đốt xe ô tô. Và rất có thể, sự việc ấy đã tồi tệ hơn rất nhiều nếu nỗ lực đưa những người trên xe thoát khỏi đám đông tối hôm ấy bất thành.
Vậy mà, cho đến hôm nay, tức là vụ việc đã xảy ra hai ngày và đã có kết luận rõ ràng từ phía cơ quan chức năng rằng thông tin thôi miên để bắt cóc là hoàn toàn bịa đặt thì bất chợt tôi vẫn bắt gặp trên trang facebook cá nhân của ai đó chia sẻ video về vụ việc với những dòng chữ "đốt xe ô tô của bọn thôi miên, bắt cóc trẻ em ở Hải Dương".
Chiếc ô tô bị đốt cháy trong cơn cuồng nộ mù quáng của người dân
Thật khó có thể đưa ra một lời giải thích cho những hành vi thuần túy là bản năng "bầy đàn" ấy. Hàng ngàn người dân, tôi không thể đoán biết trong thời điểm đó có bao nhiêu người đã bình tĩnh sử dụng bộ não của mình để đánh giá thấu đáo sự việc. Nhưng tôi chắc chắn, nếu có thì đó là thiểu số nên nó đã không lấn át được sự cuồng nộ hoang dã của số đông.
Hẳn chưa ai quên câu chuyện mới đây xảy ra Cửa Lò, Nghệ An. Một người phụ nữ bán dạo thuốc bắc bị người dân nghi ngờ bắt cóc trẻ con nên hô hoán dân làng vây bắt. Trong cơn mưa tầm tã, hàng trăm người dân đằng đằng sát khí vây hãm, la ó và đòi "xử" ngay lập tức người phụ nữ tội nghiệp.
Song song với thời gian đó, mạng xã hội đầy rẫy hình ảnh, clip với thông tin cực kỳ giật gân "người đàn bà bắt cóc 2 đứa trẻ cho vào bao tải bị người dân bắt giữ".
Cũng tại Nghệ An trước khi vụ việc trên xảy ra vài ngày, một người phụ nữ bé nhỏ đã bị một người đàn ông to cao tóm tóc, dí dao vào cổ dọa đâm chết nếu không thừa nhận hành vi bắt cóc trẻ em. Khi được cơ quan chức năng giải cứu và làm rõ thì đó chỉ là người đàn bà có dấu hiệu bị tâm thần.
Thông tin về những vụ việc tương tự như thế hàng ngày, hàng giờ được chia sẻ, cập nhật một cách thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội đã tạo ra một nỗi bất an. Nó như một thứ độc dược, thứ thuốc thôi miên khi đám đông hùa theo chia sẻ, bình luận nhằm câu like, câu view rẻ tiền.
Trở lại vụ việc ở Hải Dương, tôi đã đọc nhiều thông tin nhận định về trách nhiệm của bà chủ cửa hàng đồ gỗ khi hô hoán bị thôi miên, theo các chuyên gia pháp lý bà có thể bị khép vào tội vu khống. Nhưng xét cho cùng thì người phụ nữ ấy cũng là một nạn nhân, bà bị "ngộ độc" bởi vô vàn những thông tin tào lao, bịa đặt trên mạng xã hội.
Và dĩ nhiên, không chỉ có bà chủ cửa hàng đồ gỗ mà hàng ngàn, hàng triệu người đang sử dụng mạng xã hội có thể sẽ là những nạn nhân tiếp theo nếu như không biết gạn lọc thông tin trên cái "chợ rác" đó.
Không ai phủ nhận những ý nghĩa tích cực của mạng xã hội nhưng hãy ngẫm lại cách mà chúng ta đang sử dụng nó đã có trách nhiệm hay chưa? Mạng xã hội ở Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ dung dưỡng cho những hành vi tiêu cực và tồi tệ.
Nếu "tay nhanh hơn não" thì chúng ta sẽ ngập ngụa và chết chìm trong lối sống ảo.