Lãnh đạo các phe đối địch tại Cyprus đã quyết định khôi phục tiến trình đàm phán hòa bình được Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn vào ngày 9/1.
Đây được xem là cơ hội lịch sử để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ trên đảo quốc này, song kết quả như thế nào vẫn là điều chưa ai dám chắc.
Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades và thủ lĩnh cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci, những người đã tham gia các cuộc đàm phán trong suốt 18 tháng trước khi tiến trình hòa bình được khôi phục, ủng hộ mạnh mẽ nhất việc thúc đẩy thỏa thuận. Tuy nhiên, cả hai nhân vật này đều thừa nhận nhiều vấn đề then chốt cần được đưa ra tranh luận thẳng thắn, trong khi khả năng giải quyết triệt để một trong những mâu thuẫn địa chính trị kéo dài nhất trên thế giới bị xem là không mấy triển vọng.
Tổng thống CH Cyprus, ông Nicos Anastasiades (trái) và Đặc phái viên LHQ về tái thống nhất đảo Cyprus, ông Espen Barth Eide (phải) trước vòng đàm phán tại Geneva ngày 9/1/2017. Ảnh: AFP
LHQ đã nỗ lực dỡ bỏ mọi rào cản để xúc tiến thỏa thuận, tạo cơ hội thuận lợi nhất nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột này sau hơn 1 thập kỷ tìm hướng giải quyết. Đại diện LHQ Espen Barth Eide, người có cuộc gặp với hai nhà lãnh đạo nói trên vào sáng 9/1, bày tỏ sự kỳ vọng vào việc người dân trên hòn đảo này có thể “lật sang trang sử mới” trong năm 2017. Trong đêm trước cuộc gặp, người dân Cyprus gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung tại thủ đô Nicosia của Cyprus để tham dự buổi hòa nhạc, với nhạc công tới từ cả hai phía. Buổi hòa nhạc có tên "Countdown to Peace" (tạm dịch “Đếm ngược tới Hòa bình”), với một trong số các bài hát được biểu diễn là "Come Together" của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Bà Marilena Evangelou, Tổng Biên tập ấn bản điện tử của tờ “Politis”, một trong những hãng truyền thông tham dự buổi hòa nhạc này, nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo, tới toàn thể thế giới rằng, chúng tôi, người dân của hòn đảo này, có thể chung sống cùng nhau”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các cuộc đàm phán tại Geneva sẽ là một thảm họa bởi các bên vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc trong những vấn đề cốt lõi như tài sản, phân chia lãnh thổ và an ninh.
Trước khi lên đường tới Geneva, ông Akinci nhận định các cuộc đàm phán sắp tới là “những ngã rẽ” then chốt, và các bên vẫn chưa thể tới được chỗ thúc đẩy “giải pháp cuối cùng”. Ông khẳng định: “Chúng tôi cần hết sức thận trọng. Tuần tới sẽ là một giai đoạn khó khăn”. Trong khi đó, Tổng thống Anastasiades viết trên trang Twitter cá nhân rằng ông tới cuộc đàm phán “với hy vọng, tự tin và sự thống nhất”, sau khi đưa ra một loạt cảnh báo trước đó về “những khác biệt lớn trong các vấn đề quan trọng liên quan tới một giải pháp tổng thể cho Cyprus”.
Cyprus, với dân số khoảng 1 triệu người, đã bị chia rẽ từ năm 1974 sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược hòn đảo này để đáp trả cuộc đảo chính được Athens hậu thuẫn nhằm đưa khu vực này sáp nhập về Hy Lạp. Chín năm sau đó, các thủ lĩnh cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thành lập một nhà nước ly khai tại phía Bắc. Cuộc xung đột hiện vẫn đang khiến hòn đảo này bị chia rẽ nghiêm trọng. Cộng hòa Cyprus được cộng đồng quốc tế công nhận nắm quyền kiểm soát vùng phía Nam, trong khi Cộng hòa Bắc Cyprus tự trị của cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập ở phía Bắc và chỉ được mình Ankara công nhận. Nhiều năm diễn ra xung đột, với đỉnh điểm là cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng chục nghìn người của cả hai phía phải rời bỏ nhà cửa, và cho đến giờ, họ vẫn đang là những con người viễn xứ. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, có khoảng 162.000 người Cyprus gốc Hy Lạp và 48.000 người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã phải rời bỏ nhà cửa.
Hai bên đã nhất trí về việc thỏa thuận hòa bình mới sẽ bao gồm điều khoản quy định việc cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trao trả một số vùng lãnh thổ mà họ đang nắm giữ cho người Cyprus gốc Hy Lạp. Tuy nhiên, diện tích các vùng lãnh thổ này hiện vẫn là vấn đề gây tranh cãi và là rào cản đối với tiến trình đàm phán suốt 4 thập kỷ qua. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi cả hai nhà lãnh đạo đều tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận trong cộng đồng của mình. Năm 2004, đa số cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ kế hoạch tái thống nhất của LHQ song cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp lại mạnh mẽ phản đối kế hoạch này.
Hai bên cũng bất đồng về số lượng người Cyprus gốc Hy Lạp được trở về nhà sau khi chạy trốn từ năm 1974, do ông Akinci muốn hạn chế số người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải rời bỏ nhà cửa lần thứ hai. Không chỉ vậy, hai bên cũng chưa thể nhất trí về các dàn xếp an ninh do Tổng thống Anastasiades yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút về nước trong khi ông Akinci muốn duy trì sự hiện diện về mặt quân sự. Ông Akinci cũng yêu cầu thỏa thuận phải bao gồm điều khoản về việc luân phiên vị trí lãnh đạo, với một tổng thống thuộc cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ được bầu 2 năm/lần, điều mà cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp kiên quyết phản đối.
Vào ngày 11/1, hai bên sẽ nêu lên các đề xuất về đường ranh giới lãnh thổ, phân chia các khu vực thuộc quyền quản lý của hai bên. Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, hai bên sẽ tiếp tục tiến hành một cuộc gặp vào ngày 12/1 cùng lãnh đạo ba nước bảo trợ là Anh (nước thực dân từng đô hộ Cyprus trong quá khứ), Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáo sư sử học và chính trị Hubert Faustmann, hiện đang làm việc tại Đại học Nicosia, cho rằng các cuộc đàm phán là cột mốc quan trọng. Ông nói: “Tôi không kỳ vọng vào sự thành công hay thất bại, song đây rõ ràng là khởi đầu của vòng đàm phán cuối cùng với sự tham gia của các cường quốc bảo trợ và của các ‘quan sát viên’ từ Liên minh châu Âu và Hội đồng Bảo an”.