Nhằm bảo vệ an toàn cho người tố cáo tham nhũng và khuyến khích toàn dân tham gia hoạt động phòng, chống tham nhũng, sáng 3-11, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Bảo vệ người tố cáo tham nhũng".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Đình Phách nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta rất chú ý đến công tác phòng, chống tham nhũng và đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp làm cơ sở để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cần phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó cần có các biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ những người dám tố cáo, kiên trì tố cáo những hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu việc thực hiện các quy định về bảo vệ người tố cáo còn nhiều hạn chế. Bảo vệ an toàn cho người tố cáo tham nhũng là yêu cầu quan trọng, bức thiết của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhưng cũng là vấn đề rất khó khăn và nan giải.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về "Bảo vệ người tố cáo tham nhũng".
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe các tham luận của đại biểu trong nước và quốc tế về các vấn đề liên quan đến việc xác định sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng xác định biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng và sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hiện hành về bảo vệ người tố cáo tham nhũng xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm về các cơ chế, mô hình hoạt động bảo vệ người tố cáo tham nhũng để qua đó tìm ra những cơ chế, biện pháp hữu hiệu nhất bảo vệ người tố cáo tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.
Tham luận của các đại biểu quốc tế đã đưa ra những ví dụ cụ thể về các cơ chế pháp lý, biện pháp và thực tiễn của công tác bảo vệ người tố cáo nói chung, tố cáo tham nhũng nói riêng tại các quốc gia trên thế giới. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo tham nhũng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần quan tâm và thực hiện tốt việc bảo mật thông tin người tố cáo và xử lý, giải quyết nhanh, dứt điểm các thông tin của người tố cáo đồng thời có biện pháp xử lý mạnh mẽ những hành vi trả thù người tố cáo.
Các bài tham luận của đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Hội Nhà báo… đã tập trung phân tích thực trạng tình hình bảo vệ người tố cáo tham nhũng tại Việt Nam, những khó khăn và thách thức đối với hoạt động bảo vệ người tố cáo tham nhũng tại Việt Nam. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong hoạt động bảo vệ người tố cáo tham nhũng thể hiện bằng hệ thống văn bản pháp luật quy định về vấn đề này khá đa dạng. Tuy nhiên, các văn bản pháp quy đó vẫn còn chưa cụ thể và các hoạt động bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa thực sự được triển khai mạnh mẽ trong thực tiễn cuộc sống. Các đại biểu cùng nhất trí cho rằng, công tác bảo vệ người tố cáo tham nhũng cần sự chung tay của tất cả hệ thống chính trị và của toàn dân, đặc biệt nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiếp nhận tố cáo và các cơ quan làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Tham gia và phát biểu tham luận tại Hội thảo có đại diện Tổ chức minh bạch Quốc tế (IT) Ngân hàng Thế giới (WB) Ủy ban Chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)… đại diện sứ quán Anh, Hoa Kỳ, Oxtraylia.... Đại diện Văn phòng TW Đảng, Ủy ban Kiểm tra TW, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Đại diện các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, VKSNDTC, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán… cùng đại diện Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng một số địa phương đã dự họp.
Xuân Khu