Bảo vệ đất lúa, dành đất cho phúc lợi xã hội

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện quy hoạch cần đảm bảo tính thực tế, tránh sử dụng lãng phí quỹ đất.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Lê Văn Học phát biểu ý kiến

Giữ đất trồng lúa


Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực trạng thu hồi đất nông nghiệp vào tháng 9-2008, trong 5 năm chuyển đổi diện tích sử dụng đất hơn 366ha đất nông nghiệp đã ảnh hưởng tới khoảng 950.000 lao động và khoảng 2,5 triệu người. Trung bình 1ha khi thu hồi thì có 10 nông dân bị mất việc làm và với tốc độ trung bình 73,2 nghìn hécta đất bị thu hồi mỗi năm thì có khoảng 70 vạn nông dân không có công ăn việc làm.

Trong 10 năm qua, đã chuyển 270.000ha đất lúa sang đất khác là đất đô thị, đất công nghiệp. Nếu chỉ tính 1/4 diện tích đất này trong thời gian chờ hoàn thiện các thủ tục hoặc thiếu vốn trong 2 năm thì đã giảm thu khoảng 5.400 tỷ đồng, chưa kể lao động nông nghiệp không có việc làm. Chính vì vậy, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ tiếp tục phải hoàn thiện các giải pháp nhằm xử lý hài hòa, đảm bảo tối đa quyền lợi của người bị thu hồi đất.


Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch năm 2015: Trong cơ cấu đất nông nghiệp đến năm 2020, đất lúa giảm 308.000ha, còn lại 3.812.000ha, trong đó 10 năm tới giảm 114% so với 10 năm trước. Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) có ý kiến đề nghị Chính phủ “sử dụng đến đâu thì cắt đến đó, không thể cắt một loạt rồi để không như giai đoạn vừa rồi”.


Đại biểu Trần Du Lịch (Tp. Hồ Chí Minh) đồng tình với quy hoạch giữ đất trồng lúa 3,8 triệu hécta. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị, để bảo đảm được 3,8 triệu hécta này ổn định lâu dài như mục tiêu đề ra cần nghiên cứu làm rõ có 2 chính sách để bảo vệ: Thứ nhất, liên quan đến quy hoạch, chúng ta nên đi sâu, chi tiết chân ruộng của đất lúa 2 vụ, 3 vụ trên bản đồ một cách rõ ràng, để bảo đảm rằng miếng đất đó, chân ruộng đó được quy hoạch lâu dài, không xâm phạm tới nó. Thứ hai, đề nghị có chính sách bảo đảm nâng mức thu nhập, đời sống cho người nông dân trồng lúa; Có chính sách rất rõ cho những tỉnh giữ chân ruộng để làm lúa trong vấn đề trợ cấp ngân sách, giải quyết những chính sách cho địa phương mà không phải lo chuyện xóa đất nông nghiệp, đất trồng lúa để làm công nghiệp. Như vậy mới bảo đảm được tính khả thi của quy hoạch đất trồng lúa.


Dành đất cho phúc lợi xã hội


Về đất dùng cho khu công nghiệp và cụm công nghiệp thì chúng ta đã quy hoạch tới 100.000ha nhưng sử dụng chưa hiệu quả. Trong đó, cả nước có tới 267 khu công nghiệp với diện tích 72.000ha, nhưng tỷ lệ lấp đầy cho đến hiện nay chỉ 46%. Và trong tổng số vốn đăng ký đầu tư vào đây cho đến thời điểm hiện nay chỉ thực hiện được 32%. Còn đối với các dự án ở trong nước cũng đăng ký đầu tư vào đây rất lớn nhưng chỉ thực hiện được 40,5%. Hiện cũng có tới 650 cụm công nghiệp và tổng diện tích quy hoạch là 28.000ha nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ 44%.


Theo Quyết định 1946, đến năm 2020 chúng ta chỉ còn khoảng 90 sân golf. Nhưng sau đó đến tháng 8-2011 lại bổ sung thêm 28 sân nữa và tốn thêm khoảng 6.000ha đất nông nghiệp (Xin lưu ý, một số dự án trong đó sân golfchỉ chiếm 1/3 diện tích theo quy hoạch, còn lại dùng để xây biệt thự cao cấp và các dịch vụ khác). Trong khi đó, đất dành cho giao thông vận tải trong quy hoạch rất thấp và bất hợp lý. Chúng ta chỉ đạt 13%, trong khi đó tiêu chuẩn đất dành cho giao thông ít nhất là phải 25%. Đất cho giao thông tĩnh chưa được 1%, trong đó tiêu chuẩn của thế giới, các nước nói chung phải từ 3-3,5%.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: Quan điểm của Chính phủ là kiên quyết giữ 3,8 triệu hécta đất lúa. Các địa phương nên có nhận thức đầy đủ về đất lúa - đó là di sản được bồi đắp từ ngàn đời. Hàng ngàn tỷ đồng đã được dành để hỗ trợ người trồng lúa dưới nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo họ có được mức lãi thỏa đáng. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thông qua, các Bộ ngành sẽ ngồi lại và tính toán cụ thể hình thức hỗ trợ.


Năm 2000, toàn bộ số quỹ đất dành cho giáo dục đào tạo của cả nước có diện tích là 27.000ha, tính bình quân một học sinh, sinh viên ở giai đoạn 2000 là chỉ có 1,5m2/sinh viên. Đến năm 2010, toàn bộ quỹ đất dành cho các cơ sở giáo dục đào tạo có diện tích là 41.000ha, tức là tăng lên 14.000ha so với năm 2000, bình quân cho 22 triệu học sinh, sinh viên cũng chỉ là 1,8m2/sinh viên.


Từ những bất cập trên, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) và nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không nên quy hoạch thêm đất cho các cụm công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghiệp. Kiến nghị quy hoạch đến năm 2020 phải dành đất cho các cơ sở giáo dục đào tạo bình quân để mỗi học sinh, sinh viên đạt 5m2 trên 1 sinh viên, tăng thêm khoảng 85.000ha.


Các đại biểu đề nghị cần đặc biệt dành đất cho phát triển giao thông đô thị. Hiện tại, ở Thủ đô Hà Nội, 7 quận nội thành có diện tích là 83km2 nhưng diện tích đường giao thông chỉ có 5,2km vuông, tỷ lệ chỉ có 6,18%. Tại Tp. Hồ Chí Minh, các quận vùng Sài Gòn, Chợ Lớn diện tích đường chỉ có 7,8%, các quận mới, thậm chí có những quận là 0,2%, quận lớn nhất là 2,8% đất dành cho giao thông. Như vậy, không thể nói đến chuyện cải thiện tình hình giao thông ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh trong khi quy định là 25%.


Trung Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ đất lúa, dành đất cho phúc lợi xã hội