Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết hành vi của nhân viên bảo vệ dâm ô với bé gái trong siêu thị là hành vi thỏa mãn dục vọng của người phạm tội. Do đó, cần giám định tổn thương bộ phận sinh dục để làm căn cứ xác định có tác động của đối tượng gây ra.
Ngày 16/7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Tuấn (44 tuổi, bảo vệ khu vui chơi ở một trung tâm thương mại tại quận Long Biên), để điều tra về hành vi Dâm ô với trẻ em. Nạn nhân là cháu N ( 15 tuổi) sống trên địa bàn quận Long Biên.
Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn
Căn cứ lời khai đối tượng và tài liệu thu thập, cơ quan Công an đã làm rõ, chiều ngày 15/7, cháu N đến khu vui chơi trên tầng 3 trung tâm thương mại S.V.C để chơi và xem ca nhạc.
Thấy N đi một mình, Tuấn đã chủ động làm quen rồi đưa N vào trong khu nhà bóng chơi. Tại đây, Tuấn đã có hành vi sàm sỡ N. Khi thấy cháu N phản ứng, Tuấn bỏ ra ngoài.
Sau đó, phát hiện N đi ra khu vực vệ sinh ở tầng 3, Tuấn bám theo rồi tiếp tục giở trò đồi bại với bé gái này.
Sau khi về nhà, N kể lại sự việc mình bị sàm sỡ với gia đình. Ngay sau đó, người nhà cháu N lên trung tâm thương mại giữ đối tượng Tuấn và báo Công an.
Tối ngày cùng ngày, Công an quận Long Biên đã triệu tập Tuấn đến làm việc. Bước đầu, Tuấn đã khai nhận hành vi đồi bại với cháu N.
Một cán bộ điều tra cho biết, do cháu N chậm phát triển về trí não nên đối tượng Tuấn đã lợi dụng điểm yếu này để sàm sỡ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết theo quy định của pháp luật, để xử lý hành vi phạm tội cần phải xem xét trên tất cả các mặt từ pháp luật đến đạo đức xã hội, hậu quả để lại.
“Trên thực tế, tội dâm ô trẻ em khi đã có nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, nhận diện đối tượng thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, các vụ việc xâm hại tình dục không chờ đợi vào sự tố cáo của nạn nhân hay gia đình nạn nhân mà chỉ cần có người phát hiện ra là có thể điều tra được”, ông Thơm nêu quan điểm.
Theo ông Thơm, đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì khó có thể để lại dấu vết. Đó cũng là lý do khiến những nạn nhân của dâm ô trẻ em không thể kêu cứu và không được giải quyết bằng pháp luật, trong khi đó loại tội phạm này chậm bị xử lý.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh tội dâm ô trẻ em chủ yếu để lại các hậu quả về tâm sinh lý đối với sự phát triển của trẻ về sau. “Qua những thông tin về vụ việc có thể thấy hành vi của nam nhân viên bảo vệ là hành vi thỏa mãn dục vọng của người phạm tội nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Người phạm tội đã thực hiện những hành vi tác động lên thân thể của nạn nhân nhằm thỏa mãn dục vọng. Bởi vậy, để xác định tội danh, cơ quan CQĐT cần giám định tổn thương bộ phận sinh dục để làm căn cứ xác định có tác động của đối tượng gây ra.
“Nếu trường hợp có tinh trùng bên trong hay bên ngoài bộ phận sinh dục thì có dấu hiệu tội tội hiếp dâm trẻ em”, luật sư Thơm nêu ý kiến.
Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội dâm ô đối với trẻ em:
1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều trẻ em;
c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.