Môi trường

Bảo tồn chim hoang dã và chim di cư: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững

Gia Linh 24/04/2024 - 20:10

Vừa qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã và chim di cư.

Tài liệu liệt kê tên, hình ảnh và thông tin về mức độ bảo vệ của 264 loài chim hoang dã và di cư cần bảo vệ. Các loài chim trong tài liệu này là những loài có nguy cơ tuyệt chủng, bị nghiêm cấm hoặc hạn chế mua bán (chỉ được kinh doanh, lưu giữ nếu đảm bảo đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp).

Kể từ khi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành vào tháng 5/2022, ENV nhận thấy các cơ quan thực thi pháp luật trên cả nước đã tăng cường đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm về chim hoang dã. Từ tháng 5/2022 đến cuối năm 2023, ENV ghi nhận 179 vụ bắt giữ liên quan đến chim, thu giữ 8.123 cá thể. Theo cơ sở dữ liệu của ENV, nhiều hình phạt nghiêm khắc cũng được áp dụng với các đối tượng vi phạm. Tổng mức phạt hành chính đối với các vi phạm liên quan đến chim trên cả nước là 4.499.975.000 đồng.

1.-anh-tai-lieu.jpg
2.-co-quan-chuc-nang-tinh-quang-nam-tich-thu-chim-hoang-da-bi-buon-ban-nguon-chi-cuc-kiem-lam-tinh-quang-nam-.jpg
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam tịch thu chim hoang dã bị buôn bán (Nguồn - Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam)

Gần đây nhất, vào tháng 1/2024, hai thợ săn ở U Minh Thượng đã bị xử phạt lần lượt là 5 năm và 5 năm 6 tháng tù vì hành vi săn bắt trái phép 35 cá thể chim hoang dã tại tỉnh Kiên Giang.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Thật đáng mừng khi nhiều cơ quan thực thi pháp luật trên cả nước đang nỗ lực giải quyết vấn nạn săn bắt và buôn bán chim trái phép. Các vụ thu giữ chim từ chợ, gỡ bỏ bẫy và lưới cũng như bắt giữ và xử phạt đối tượng buôn bán chim trái phép trên mạng đều là những hoạt động thiết yếu trong hành trình vẫn đầy khó khăn phía trước để bảo vệ các loài chim bản địa và chim di cư. ENV kêu gọi các địa phương tích cực đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để chấm dứt hoạt động săn bắt, buôn bán chim trái phép trên địa bàn”.

Tài liệu đã được chia sẻ đến các cơ quan thực thi pháp luật cũng như các cửa hàng, chủ cửa hàng chim cảnh với hi vọng đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng để xác định loài được bảo vệ. Bên cạnh đó, nhận thức và sự tham gia của cộng đồng cũng là yếu tố then chốt giúp bảo vệ các loài chim bản địa và di cư ở Việt Nam.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) được thành lập vào năm 2000, là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên về bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam. ENV đi đầu trong nỗ lực chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD trái phép ở Việt Nam bằng cách áp dụng các chiến lược sáng tạo nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD, thúc đẩy công tác thực thi, trực tiếp hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu và ngăn chặn vi phạm về ĐVHD. ENV cam kết luôn nhất quán với sứ mệnh của mình là đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho các loài động vật hoang dã, cả ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Kể từ năm 2007, ENV tập trung hoạt động vào 3 lĩnh vực trọng tâm mang tính chiến lược nhằm chấm dứt hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép tại Việt Nam gồm: Phối hợp với các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường thể chế, khắc phục lỗ hổng pháp luật và khuyến khích thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo vệ ĐVHD; Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật thông qua việc trực tiếp hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác ngăn chặn và đẩy lùi các vi phạm về ĐVHD; Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD thông qua các chiến dịch dài hạn, bền vững nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ ĐVHD bằng cách thông báo các dấu hiệu vi phạm đến cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng miễn phí về bảo vệ ĐVHD 1800-1522.

Hành vi quảng cáo, mua bán các loài chim bản địa và di cư không có nguồn gốc hợp pháp hoặc các bộ phận, sản phẩm của chúng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 400 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù.

(Tham khảo: Nghị định 35/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP và Điều 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn chim hoang dã và chim di cư: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững