Cơn bão quốc tế Sarika đang tiếp tục mạnh lên gây gió giật mạnh trên khu vực Đông Bắc Biển Đông. Trong khi đó trên đất liền, tình hình mưa lũ ở miền Trung do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới còn diễn biến phức tạp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 1 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão cách đảo Lu dông (Philippin) khoảng 440km về phía Đông Đông Nam, cường độ bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển 10-15km/h và tiếp tục mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão nằm ngay trên khu vực phía đông đảo Lu dông, cường độ mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, vượt qua đảo Lu Dông vào Biển Đông. Đến 01 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão cách quần Đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 14, cấp 15.
Đường đi của bão Sarika
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng 16/10, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km.
Về tình hình mưa lũ các tỉnh miền Trung, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trong nhiều ngày đã làm lũ lên nhanh tại các tỉnh từ Hà Tĩnh vào tới Thừa Thiên – Huế. Nhiều công trình nhà dân bị nhấn chìm, đường sá bị chia cắt.
* Tại Hà Tĩnh: Chiều 14/10, Quốc lộ 15A nối TP Hà Tĩnh với huyện Hương Khê bị chia cắt do nước lũ dâng cao. Đặc biệt, đập thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ làm nhiều ngôi nhà ở huyện miền núi Hương Khê chìm trong biển nước.
Tối 14/10, nhiều đoạn đường mòn Hồ Chí Minh ngập nặng do mưa lớn. Người dân ở các xã Hương Đô, Lộc Yên, Hương Trạch bị nước lũ chia cắt do thủy điện Hố Hô xả nước.
22h, tại xã Hương Giang, Hương Trạch, Hương Đô... mực nước đang dâng cao. Nhiều ngôi nhà nước ngập sâu hơn 1m. Tại TP Hà Tĩnh, lượng mưa lớn trong chiều 14-10, cùng với lượng nước đổ về từ hồ Bộc Nguyên đã khiến toàn thành phố ngập sâu.
Một số đoạn trên QL1A, đi qua phường Hà Huy Tập, do lo sợ hồ Kẻ Gỗ xả lũ trong đêm, rất nhiều người dân đã ra phá con lươn giữa đường để nước thoát nhanh hơn bình thường.
* Tại Quảng Bình: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ 13/10 Quảng Bình bắt đầu có mưa to đến rất to. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng bị ngập sâu do mưa lớn như thành phố Đồng Hới, huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa.
Mưa lũ nhấn chìm nhiều căn nhà tại Quảng Bình
Từ 17 giờ chiều 13/10, nước lũ đã gây ngập và chia cắt 3km, từ km 909 – km 912 đường HCM nhánh Đông, đoạn qua xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình. Hiện toàn bộ phương tiện không thể lưu thông được.
Nước đầu nguồn dâng cao làm ngập 230 nhà tại xã Cao Quảng và xã Mai Hoá (Tuyên Hóa), 45 nhà ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa), nơi ngập sâu nhất khoảng 2,5m.
Đến chiều 14/10, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình trời tiếp tục mưa to, mực nước trên các sông dâng cao và gây ngập lụt tại các xã vùng cao.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình, tổng lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 12/10 đến 13 giờ ngày 14/10 tại Đồng Hới là 305 mm. Vào chiều 14/10, TP Đồng Hới bị ngập nước rất nhiều điểm. Nước bao vây tứ phía khiến hệ thống giao thông tê liệt.
Một số tuyến bị ngập nặng như: Hữu Nghị, Nguyễn Hữu Cảnh, Hai Bà Trưng, Tố Hữu, Tôn Thất Tùng, Lý Thường Kiệt... Nhiều xe ô tô và xe máy đã bị chết máy vì đi qua những điểm ngập sâu, phải nhờ đến sự trợ giúp của xe cứu hộ.
Mưa lũ đã làm 3 người chết, 3 người mất tích và 9 người bị thương tại tỉnh Quảng Bình.
* Tại Thừa Thiên - Huế: Mưa lũ kèm theo lốc xoáy làm 2 người ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị thiệt mạng và mất tích. Gần 90 nhà dân ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền bị tốc mái, 2 nhà đổ sập. Nhiều tuyến đường và khu dân cư bị nước ngập nước nặng, giao thông đi lại khó khăn
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cũng đưa cảnh báo về tình hình lũ khẩn cấp trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Theo đó, lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Thạch Hãn xuống chậm và còn có khả năng lên lại.
Đến trưa, chiều nay (15/10), mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 3,0m, dưới BĐ1 2,4m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 15,5m, trên BĐ3 2,0m; tại Hòa Duyệt lên mức 10,0m, dưới BĐ3 0,5m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống mức 10,0m, ở mức BĐ1; Sông La tại Linh Cảm lên mức 5,0m, trên BĐ1: 0,5m; Sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 7,5m, trên BĐ3 1,0m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 3,1m, trên BĐ3 0,4m; Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn xuống mức 3,2m, dưới BĐ2 0,8m.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trọng tâm là các huyện sau: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TP. Đồng Hới (Quảng Bình).