Bão số 7 sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh phía đông Bắc Bộ

Khôi Anh| 18/10/2016 14:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do ảnh hưởng của bão số 7, từ đêm nay (18/10), các tỉnh phía đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định mưa đạt 200-300mm.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, lúc 10h ngày 18/10 tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 24m/s (cấp 9).

Về diễn biến của bão, vị trí tâm bão lúc 10 giờ ngày 18/10 nằm trên vùng bờ biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 420km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16.

Trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km. Đến 10 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão sẽ nằm trên vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Cường độ gió vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 12-13.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 160 độ Bắc và phía Tây Kinh tuyến 113, 0 độ Đông. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên: phía Bắc Vĩ tuyến 170 độ Bắc và phía Tây Kinh tuyến 112,00 độ Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Bão số 7 sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh phía đông Bắc Bộ

Tâm bão số 7 lúc trưa 18/10. Ảnh: NCHMF

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7; giật cấp 8, cấp 9; biển động mạnh. Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14; sóng biển cao 3-5m, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 22 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão nằm trên vùng biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão, ở Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13; sóng biển cao từ 2-4m, biển động dữ dội.

Trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang có gió mạnh cấp 6, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; riêng Quảng Ninh có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Cảnh báo từ đêm nay (18/10) đến hết đêm 19/10 sẽ xuất hiện mưa vừa, mưa to trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, riêng Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn: 200-300mm/cả đợt. 

* Để chủ động phòng chống bão số 7, tại tỉnh Nam Định, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đã đề nghị các địa phương trong tỉnh phải khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão, đặc biệt là 3 huyện ven biển: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu phải dồn toàn lực chống bão; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống bão trong nhân dân.

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn, phối hợp với lãnh đạo các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão, không được chủ quan trước diễn biến của bão. Các địa phương huy động lực lượng giúp nhân dân thu hoạch nhanh lúa mùa; kêu gọi người dân tại các chòi canh ngao vào nơi tránh trú an toàn.

Hiện Nam Định có trên 1.830 tàu thuyền với 4.995 ngư dân đã vào bến neo đậu; 201 tàu, thuyền công suất nhỏ với 416 lao động hoạt động canh coi tại các vùng nuôi trồng thủy sản ngoài đê đi về trong ngày. Dự kiến, đến 17 giờ ngày 18/10, sẽ kêu gọi toàn bộ tàu thuyền và lao động này vào bờ. Các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã thông báo cho các lao động trên 880 lều chòi canh ven biển nắm bắt tình hình, diễn biến của bão số 7 để chủ động vào bờ.

Đối với các vị trí kè, đê sông, đê biển bị hư hỏng do bão số 1 tại các huyện: Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên, Giao Thủy chưa khắc phục xong, các địa phương đã chuẩn bị trên 1.410 m3 đá hộc, hơn 3.340 rọ thép, 530.000 bao tải và các loại vải xử lý chống tràn; huy động xe ô tô, tàu cứu nạn, xuồng cứu hộ để sẵn sàng hộ đê và ứng cứu khi có tình huống bất ngờ do mưa bão gây ra.

* Tại Quảng Ninh: Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai chỉ đạo công tác phòng, chống bão.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá đây là một cơn bão mạnh và có diễn biến phức tạp, do vậy sau khi UBND tỉnh họp với Chính phủ triển khai công tác phòng, chống, UBND tỉnh đã ban hành Công điện và phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão tại các địa phương. Yêu cầu các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình để triển khai các phương án phòng, chống trên tinh thần đôn đốc, kiểm tra là chính.

Quảng Ninh lại là địa phương có nhiều đê điều, vùng trũng, thấp, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn, deo đó các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang đặc biệt quan tâm đến hệ thống đê điều trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó đặc biệt lưu ý đến hệ thống đê Hà Nam, các tuyến đê tại Vân Đồn, Tiên Yên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 7 sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh phía đông Bắc Bộ