Sáng 17/9, Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai đã họp ứng phó bão số 5 và mưa lũ sau bão.
Bão số 5 tăng cấp, tiến vào đất liền, các tỉnh ra lệnh cấm biển
Tại cuộc họp sáng 17/9 về ứng phó với bão số 5, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, thông tin, vào 7h sáng cùng ngày, bão số 5 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340 km về phía Đông Nam, sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 18/9, bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Theo dự báo bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão nên khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa có gió bão mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 14. Biển động dữ dội.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Với vận tốc này, bão có thể đổ bộ ngay sáng 18/9, nếu muộn thì vào chiều cùng ngày. Trọng tâm bão đổ bộ ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam".
Trước tình hình trên, ngay trong chiều qua, 16/9, Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã ra lệnh cấm biển. Dự kiến trong ngày hôm nay, các tỉnh còn lại nằm trong khu vực ảnh hưởng bão số 5 như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cũng sẽ cấm biển không cho tàu thuyền hoạt động ngoài khơi.
Trong khi đó, tính đến 6 giờ sáng nay 17/9, Bộ đội biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 p.tiện/285.384 lao động. Trong có khoảng 511 tàu/3.706người số hoạt động khu vực nguy hiểm; 9.785 tàu/66.704 người hoạt động khu vực khác; 48.049 tàu/ 218.934 người neo đậu tại các bến.
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có kế hoạch sơ tán gần 296.000 hộ dân với gần 1,18 triệu người với kịch bản bão cấp 10- 11 đổ bộ vào đất liền.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp về phòng, chống bão số 5 sáng 17/9
Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão đôn đốc ngư dân, chủ động cho học sinh nghỉ học
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhận định với kịch bản bão đổ bộ trong sáng mai (18/9), các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng cần nâng cao tinh thần ứng phó, đặc biệt với 5 tỉnh thành trọng tâm bão đi vào: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Đáng lưu ý, khoảng 500 tàu thuyền đang ở trên biển và chưa thể cập bờ. Các địa phương cần phối hợp thông báo cho các chủ phương tiện thoát khỏi vùng nguy hiểm để kịp thời tránh trú bão.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão, tổng kiểm tra, đôn đốc ngư dân trên lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, khách du lịch trên các đảo… vì nếu chủ quan sẽ rất nguy hiểm.
Ông Cường cũng yêu cầu các địa phương rà soát để cẩm biển, đặc biệt là năm tỉnh trọng điểm, chậm nhất trong ngày hôm nay.
“Về học sinh ở các tỉnh trọng điểm, khuyến nghị lãnh đạo tỉnh căn cứ tình hình thực tế, với dự kiến ngày mai bão vào và mưa lớn để có hình thức chỉ đạo học sinh nghỉ học”, ông Cường nói.
Hiện tại, Thừa Thiên Huế đã có quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 18/9.
Trước đó, chiều 16/9, trong Công điện về ứng phó bão số 5, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương.
Sáng 16/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cũng đã họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương để lên phương án ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.