Bảo lãnh thông quan tạo lợi ích lớn cho xuất nhập khẩu

Nguyễn Cúc| 05/04/2019 18:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 5-4, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội thảo “Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan, đại diện Global Alliance (GATF), các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Bảo lãnh thông quan tạo lợi ích lớn cho xuất nhập khẩu

Ông Mai Xuân Thành Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại Hội thảo

Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương được ký kết, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết chỉ đạo phải đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới, các Bộ, ngành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu để đảm bảo đạt được mục tiêu đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình ASEAN 3, trong đó thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới là dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và dưới 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, một trong những yêu cầu được đặt ra là Việt Nam cần thực hiện quyết liệt cải cách, đổi mới áp dụng phương pháp quản lý phù hợp tạo thuận lợi thương mại, thông quan nhanh chóng, trong đó việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan của một số nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc,… sẽ giúp Việt Nam tiếp cận dần với nhóm các nước phát triển, hướng đến quốc gia có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong tốp 3 nước đứng đầu Đông Nam Á.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020”, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án kèm Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Bảo lãnh thông quan tạo lợi ích lớn cho xuất nhập khẩu

Ông Eric Miller, tư vấn cao cấp của GATF

Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh những lợi ích đối với việc bảo lãnh thông quan bao gồm: Giúp cho cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan. Bảo lãnh thông quan không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Thay vào đó, đây là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua tổ chức bảo hiểm, bảo đảm hàng hóa XNK phải đáp ứng các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi đưa vào sản xuất hoặc đưa ra lưu thông trên thị trường, thậm chí là khi đến tay người tiêu dùng. Việc sử dụng bảo lãnh thông quan cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý chuyên ngành tiết kiệm được nguồn nhân lực, giảm chi phí hành chính, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính của các bộ, ngành.

Ông Thành khẳng định, bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay, đồng thời cũng góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đối với các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, bảo lãnh thông quan sẽ bổ sung một phương thức kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.

Cũng theo ông Mai Xuân Thành, hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm triển khai mô hình này tại Mỹ và một số quốc gia của các chuyên gia đến từ GATF, góp ý của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp về mô hình này tại Việt Nam để có thể sớm hoàn thiện và đưa cơ chế bảo lãnh thông quan vào triển khai trong thực tế.

Để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các Bộ, ngành, việc triển khai dự kiến chia thành 03 giai đoạn: giai đoạn thí điểm dự kiến trong 02 năm 2021-2022; giai đoạn mở rộng trong năm 2022-2023 và dự kiến chính thức vào năm 2024.

Theo đánh giá của ông Eric Miller, tư vấn cao cấp của GATF, tại Hoa Kỳ, bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1 đến 0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5 đến 0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%. Ông cũng đánh giá, Việt Nam hiện là một trong những nước sớm nhất trong khu vực đang triển khai thực hiện việc bảo lãnh thông quan. Đây là cách giúp Việt Nam sớm bảo đảm thực thi đầy đủ Công ước Kyoto về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục hải quan, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF) và các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam là thành viên.

Bảo lãnh thông quan tạo lợi ích lớn cho xuất nhập khẩu

Ông Robert S.Kielbas, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển Toàn cầu Tập đoàn Bảo hiểm Roanoke

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Robert S.Kielbas, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển Toàn cầu Tập đoàn Bảo hiểm Roanoke cho biết, tại Hoa Kỳ, hệ thống bảo lãnh thông quan là một phần quan trọng mang đến thành công trong lĩnh vực hoạt động thương mại hải quan và được coi như “tiêu chuẩn vàng” của thế giới.

Cơ quan Hải quan có thể thông quan hàng hóa ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu thương mại. Cùng lúc đó, phân loại và tạm hoãn việc ra quyết định đối với mặt hàng chịu thuế, không chịu thuế và những gì đủ tiêu chuẩn thông quan. Bảo lãnh thông quan là một công cụ quan trọng để tạo thuận lợi thương mại và dòng chảy thương mại xuyên biên giới.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan có thể làm phát sinh các quy định về điều kiện, thủ tục công nhận tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm được tham gia hoạt động bảo lãnh thông quan và phát sinh một số chứng từ trong quá trình giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan; đối với chủ hàng có thể phát sinh một số chi phí liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo lãnh thông quan với tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo lãnh thông quan tạo lợi ích lớn cho xuất nhập khẩu