Sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người dân lại nô nức cùng nhau đi trẩy hội mùa Xuân. Đền Bảo Hà, nơi thờ danh tướng Hoàng Bẩy là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn để dâng hương hướng về nguồn cội.
Du khách tìm về đền Bảo Hà có thể đi theo đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai rẽ xuống nút giao IC 16 ra Quốc lộ 279, điểm dừng chân là xã Bảo Hà, Bảo Yên ( Lào Cai), hoặc nếu muốn tận hưởng không khí trong lành, thỏa sức ngắm nhìn để tìm hiểu những vùng đất ven sông Hồng có thể chọn phương tiện đường thủy hoặc đi tàu tốc hành Hà Nội –Lào Cai để đến với Bảo Hà.
Bảo Hà là một ngôi đền đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đền quay mặt hướng chính Nam, tựa lưng vững chãi dưới chân đồi Cấm, trong khuôn viên rợp bóng hoa ngọc lan thoảng ngát hương thơm, bên cạnh là dòng sông Hồng uốn lượn tựa thế rồng thiêng đang cuộn mình canh giữ.
Rước kiệu trong lễ hội Đền Bảo Hà
Theo tương truyền vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740- 1786) tướng Hoàng Bẩy (họ Nguyễn) được triều đình giao cho trọng trách trấn giữ vùng biên ải phía Bắc dẹp giặc thù, giữ yên bờ cõi. Trong một trận huyết chiến không cân sức với kẻ thù nơi đầu sông, ông bị tử trận, thi thể ông trôi dạt về Bảo Hà, dân làng vớt lên an táng và lập đền thờ ghi nhận công lao của vị tướng tài, đức độ.
Ngôi đền được thiết kế mang đậm nét văn hóa truyền thống với kiến trúc độc đáo từ cổng tam quan nội, ngoại đến các cung Cấm, cung Công đồng, phủ chúa sơn trang, lầu Cô, lầu Cậu, Nhà bia, Am hóa vàng làm từ đá nguyên khối và gỗ nhóm quý…
Tại Cung thờ chính, tướng Hoàng Bẩy uy nghi trong sắc phục xanh màu biên ải, ngự trong khám kính được chạm khắc tinh sảo với đường nét hoa văn dát vàng, khảm bạc. Đây là biểu hiện sinh động lòng biết ơn, trân trọng của các thế hệ người dân Việt Nam đối với vị tướng đã được vua Minh Mạng (Thiệu Trị) thuộc triều Nguyễn, phong tước hiệu Trấn An hiển liệt, còn ngôi đền được cấp sắc phong “Thần Vệ Quốc”.
Cách không xa, di tích đối diện bên tả ngạn nằm trong quần thể di tích là Đền Cô Tân An. Tục truyền rằng: con gái tướng Hoàng Bẩy có tên húy Nguyễn Hoàng Bà Xa là cánh tay đắc lực sát cánh cùng cha mình chiêu dụ các thổ ti, tù trưởng luyện tập binh sĩ, rèn giũa khí giới, dự trữ lương thảo. Khi giặc tan, Nguyễn Hoàng Bà Xa lại có công lớn trong việc tập hợp các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng áo xanh khẩn điền khai mỏ xây dựng cuộc sống no ấm thanh bình.
Cổng tam quan nội Đền Bảo Hà
Bên cạnh lễ Thượng Nguyên ngày 17 tháng Giêng là lễ hội đền Cô, còn lễ hội chính diễn ra vào ngày 17/7 âm lịch, ngày mất của tướng Hoàng Bẩy, sau ngày “xá tội vong nhân”.
Nhiều nội dung và hình thức hoạt động phong phú như: nghi thức lễ, cầu phật, dâng hương tưởng niệm cầu “Quốc thái dân an”, “Thiên hạ thái bình”. Đặc sắc nhất trong ngày hội có tổ chức nghi lễ rước kiệu từ đền Cô sang đền Ông với ý tưởng tái hiện hình ảnh hội binh của tướng Hoàng Bẩy. Sau phần đại lễ trong tiếng chiêng, tiếng trống rền vang, đoàn rước lộng lẫy cờ hoa với kiệu, cờ, tàn, lọng và nghi trượng chuyển động theo đoàn múa lân uốn lượn mừng vui thắng trận.
Được bồi đắp kết tinh, hội tụ và lan tỏa do cộng đồng sáng tạo, lễ hội đền Bảo Hà, đền Cô Tân An diễn ra trong không gian thiêng với cảnh quan sơn thủy, hữu tình đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa sắc màu về đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam
Đến với miền du lịch tâm linh, mỗi người có dịp hướng về cội nguồn, ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, tìm hiểu công lao sự nghiệp, nhân cách của danh nhân.
Thắp nén tâm nhang trong tiếng chuông ngân giữa chiều buông với vẻ uy nghiêm, linh thiêng của chốn tâm linh, du khách bỗng thấy lòng thanh thản, tĩnh tâm hơn bao giờ hết, để từ đó mỗi người lại có cảm xúc sâu sa về cuộc sống và thấy lòng yêu quê hương, đất nước hơn.