Bao giờ hết công trình “nhân dịp”?

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều công trình được xây dựng mới. Thật tiếc là số công trình trọn vẹn, ngon lành quá ít trong khi số công trình xập xệ, hư hỏng, xuống cấp lại luôn đập vào mắt người dân. Không biết có lọt mắt các ông chủ dự án, các bà phê duyệt, các vị nhận tiền…

Các công trình xuống cấp, kém thẩm mỹ và kém tiện dụng công năng của các công trình “1000 năm” đến mức có người gọi là “sự nhạo báng” và “sự hổ thẹn danh dự” của những người thiết kế, thi công, giám sát.

Chợt bỗng dưng liên hệ đến việc mừng đại thọ 100 năm tuổi Nhà hát lớn Hà Nội, một công trình vượt mọi thăng trầm của lịch sử. Đúng như Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao&Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhìn nhận, trong suốt 1 thế kỷ qua, Nhà hát lớn Hà Nội tồn tại như một biểu tượng về không gian kiến trúc và lịch sử văn hóa…


Được biết, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo kết quả kiểm tra công tác bảo hành các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sau một năm đưa vào sử dụng. Mới kiểm tra 12 dự án, người ta đã phát hiện ở một số dự án xuất hiện những khiếm khuyết ngay trong thời gian còn bảo hành như bị thấm dột; một số thiết bị vệ sinh, điện, hệ thống cửa, vách kính... đã hỏng cần thay thế. Ngoài ra, một số công trình trong quá trình khai thác đã phát sinh nhiều bất hợp lý về công năng sử dụng, như hệ thống cung cấp điện, nước, thông gió, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ.

Công viên Hòa Bình, công viên hiện đại nhất thủ đô, xuống cấp không lâu sau khi khánh thành vào tháng 10-2010. Ảnh: Tiến Dũng/VNE.

Có hai dự án được dư luận quan tâm và tất nhiên được Sở Xây dựng đặc biệt “chăm sóc” là Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình, bởi đây là hai công trình có số vốn đầu tư lớn, quảng bá rầm rộ, khai trương long trọng nhưng đặc biệt sớm… xuống cấp. Hóa ra Bộ Xây dựng đã từng thanh tra. Công viên Hòa Bình trên đường Phạm Văn Đồng là công trình “chín ép” xong bằng được để khai trương kịp thời. Đúng 365 ngày từ khi đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Vào thăm công viên, bằng mắt thường ai ai cũng thấy bậc đá, đài phun nước… trong Công viên đã vỡ, hỏng. Công trình này được đầu tư đến hơn 280 tỉ đồng. Nay Công viên xuống cấp và mất tính hấp dẫn người dân, nghe nói đã bị kẻ xấu tụ tập nghiện hút, mãi dâm.


Bảo tàng Hà Nội, công trình có mức đầu tư 2.800 tỉ đồng với kiến trúc kiểu kim tự tháp lộn ngược khó coi và khi xây dựng xong, khai trương vẫn lèo tèo hiện vật phải vừa bày vừa bổ sung. Tại đây người ta phát hiện nền nhà bong tróc, trần nhà thấm dột! Việc làm hư hỏng hiện vật nếu trưng bày ở những chỗ này là nhỡn tiền.


Cư dân Hà Nội bỗng dưng liên tưởng về các công trình 1 năm, 100 năm, 1000 năm mà… buồn lòng bởi cách làm ăn gian dối, cẩu thả, vô trách nhiệm của những con người và bộ máy liên quan đến các công trình nhân dịp, công trình tiến tới, công trình chào mừng kiểu này. Công sức và tiền của lại phải bỏ ra để sửa chữa nhanh, trùng tu siêu sớm lại được lấy từ tiền đóng thuế của dân. Giá như có cách nào buộc các đơn vị và cá nhân gây ra thảm trạng này bỏ tiền túi ra mà đền! Nếu vẫn không có quan chức nào, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm thì tình trạng này không biết đến bao giờ mới chấm dứt…


Bảo Dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết công trình “nhân dịp”?