Báo động tình trạng cháy nổ ở chung cư cao tầng

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ cháy tại tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn Điện lực trên phố Cửa Bắc (Hà Nội) vào chiều ngày 15-12 tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã báo động về tình trạng yếu kém trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu chung cư cao tầng.

PCCC vừa thiếu, vừa yếu


Qua khảo sát ở một số chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội có thể thấy, công tác PCCC chưa được coi trọng đúng mức trong nhận thức của một bộ phận các nhà quản lý và nhà đầu tư xây dựng công trình cao tầng. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, các chung cư cao tầng bắt buộc phải có hệ thống báo cháy tự động và chữa cháy vách tường tại các tầng, tại bất cứ điểm nào của từng tầng phải có 2 họng chữa cháy tiếp cận trong vòng 3 phút kể từ khi báo động cháy.

Ngoài ra, phải có hệ thống tăng áp cho tòa nhà, bao gồm tăng áp cho cầu thang bộ thoát hiểm, ít nhất 2 cầu thang bộ thoát hiểm và hút khói cho từng tầng để khi xảy ra cháy, đảm bảo cho người tại khu vực cháy thoát xuống tầng một ra ngoài một cách an toàn. Song, do chủ đầu tư ngại tăng kinh phí nên phần lớn các chung cư đều mắc một số lỗi trong quy định PCCC như: Hệ thống cảnh báo cháy chất lượng kém, đèn chiếu sáng, đèn chỉ dẫn thoát nạn hoạt động không bảo đảm; bình chữa cháy hỏng, quá hạn sử dụng, hoặc để ở nơi không thuận tiện; hệ thống thu rác không đạt yêu cầu; bể nước không thuận lợi cho xe chữa cháy hút nước…

Vụ cháy ở tòa nhà Tập đoàn Điện lực EVN

Còn nhớ cách đây hơn một năm, ngày 10-3-2010 xảy ra vụ cháy ở chung cư 18 tầng SJC ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) làm 2 người chết. Hàng loạt hình ảnh ấn tượng phơi bày cái “bát nháo” của công tác PCCC của tòa nhà này: Những cột khói đen ngòm, các nạn nhân nhem nhuốc được… cõng đi cấp cứu; người đứng xem đen kịt, bủa vây tòa nhà khiến lực lượng cứu hỏa đến muộn gần 1 giờ vì… tắc đường; những ống chứa rác bị cháy thành than chỉ còn lại trơ khung. Đến lúc này, người ta mới ngã ngửa, vốn dĩ trong quy định PCCC, ống dẫn rác thải của tòa nhà phải làm bằng vật liệu chống cháy, nhưng chẳng hiểu vì sao, khi gặp lửa nó lại cháy, cháy dữ dội giống như cái “ngòi dẫn” để đưa “thần lửa” lên khắp các tầng.

Hiện trường vụ cháy tòa nhà SJC

Hơn nữa, khi thiết kế xây dựng nhà cao tầng, vì một số lý do nên các nhà đầu tư thường lựa chọn xây dựng nhà xe ở tầng một và tầng hầm, lối ra vào chật hẹp, khó thoát khi gặp sự cố, rất ít chung cư có bãi để xe ở ngoài, tách biệt hẳn với tòa nhà. Chỉ cần tính mỗi ôtô, xe máy chứa vài lít xăng dầu thì với lưu lượng xe xếp dày đặc trong cái khoảng không gian nhỏ hẹp đó, có đến hàng ngàn lít chất lỏng sẵn sàng… kích nổ, không ai có thể đảm bảo vệ tính an toàn khi xảy ra sự cố cháy nổ trong các nhà xe kiểu này.


Ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, nơi có mật độ các chung cư cao tầng dày đặc, nhà cao tầng, thấp tầng phân bố không hợp lý, hạ tầng kỹ thuật, giao thông không đảm bảo, nhà đầu tư xây thêm nhà vào diện tích lẽ ra làm không gian chung hoặc đường đi. Có những nhánh xương cá rẽ vào từ đường Hoàng Đạo Thúy chỉ rộng chừng vài mét cũng bị ban quản lý các tòa nhà “tận dụng” làm bãi gửi xe hoặc người dân chiếm dụng mở quán bán hàng. Với những con đường “độc đạo” kiểu này, nếu xảy ra hỏa hoạn thì việc giải tỏa “chướng ngại vật” để xe cứu hỏa tiếp cận tòa nhà là vô cùng khó khăn.


Ý thức thấp, khả năng ứng phó chưa cao


Hầu hết các vụ cháy nhà cao tầng ở Hà Nội thời gian gần đây đều xảy ra tình trạng người dân hoảng loạn, mất bình tĩnh, không có kinh nghiệm ứng phó. Nhiều ý kiến cho rằng, các hộ dân ở các tòa nhà cao tầng phải được (nếu như không nói là bắt buộc) trang bị những kiến thức tối thiểu để xử lý tình huống trong các vụ cháy. Sẽ hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người nếu cư dân nhà cao tầng được học các kỹ năng chống khói độc, chống ngạt đơn giản như dùng khăn, chăn ướt quấn lên người và tuyệt đối không được thoát hiểm bằng thang máy...


Theo một số chuyên gia, cháy nổ ở chung cư cao tầng nếu xảy ra dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn ở nhà thấp tầng bởi: Đây là nơi tập trung một số lượng người lớn trên một diện tích đất xây dựng tương đối hẹp, lại ở độ cao nên việc thoát người rất khó khăn, khả năng tiếp cận của các phương tiện cứu hoả, cứu nạn hạn chế.


Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ cháy nổ chung cư cao tầng, lực lượng PCCC gặp rất nhiều khó khăn trong công việc ứng cứu, dập tắt đám cháy. Một phần vì cơ sở hạ tầng giao thông thấp kém, tắc đường, kẹt xe xảy ra liên tục, nhất là giờ cao điểm, phần vì các tòa nhà ngày một cao, khả năng chữa cháy của các lực lượng chức năng không theo kịp, trang thiết bị lỗi thời, cũ kỹ…


Theo thống kê, toàn thành phố có khoảng 90 xe chữa cháy cùng một số xe cứu hộ, chở nước... song số xe hoạt động tốt chỉ chiếm 40%, quá nửa còn lại đã trên 15 năm sử dụng. Toàn thành phố mới có trên 940 trụ cấp nước chữa cháy trong khi theo yêu cầu cần tới 6.000 trụ. Hiện phương tiện xe chữa cháy chỉ đảm bảo cứu hỏa đến độ cao 53m, tương đương tầng 17, nếu cháy ở những tầng cao hơn, việc cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.


Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc rốt ráo để kiểm tra, xử lý những công trình xây dựng nhà cao tầng không tuân thủ các điều kiện PCCC trước khi mọi việc còn chưa quá muộn.

Nguyễn Trung Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động tình trạng cháy nổ ở chung cư cao tầng