Bảo đảm việc tranh tụng trong tố tụng hành chính

Nam Phương| 22/01/2018 06:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm bảo đảm việc tranh tụng trong tố tụng hành chính (TTHC) đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp như Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, cần phải xác định rõ và đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ của bên khởi kiện và bên bị kiện.

Điều này nhằm đảm bảo cho họ quyền và nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa.

Bảo đảm việc tranh tụng trong tố tụng hành chính

Phiên tòa xét xử vụ án hành chính

Những người tiến hành tố tụng trong vụ án hành chính gồm có:  Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. (Điều 36  Luật TTHC 2015). Những người tham gia tố tụng gồm đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch… (Điều 53 Luật TTHC 2015).

Trong quá trình tham gia xét xử, các đương sự có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa để bảo vệ quyền lợi của mình. Người khởi kiện có nghĩa vụ chứng minh, cung cấp chứng cứ để thuyết phục Tòa chấp nhận yêu cầu của mình. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp người khởi kiện có đủ điều kiện để thu thập và xuất trình chứng cứ cho Tòa. Khi ấy, Tòa có thể yêu cầu các đương sự có các chứng cứ phải xuất trình trước Tòa để việc giải quyết vụ án được thuận lợi, khách quan.

Trong tố tụng hành chính, Cơ quan nhà nước có điều kiện thu thập, bổ sung chứng cứ để bảo vệ quyết định, hành vi hành chính của mình. Cơ quan nhà nước có nhiều lợi thế khi tranh tụng. .. Ngược lại, người khởi kiện đa phần là người dân chỉ có thể sử dụng chứng cứ từ những nguồn thông tin công khai hoặc do chính các cơ quan nhà nước cung cấp. Để tạo sự bình đẳng, Điều 55 Luật TTHC 2015 quy định: “ Các đương sự của vụ án có quyền:  Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án; Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản; Được biết, ghi chép và sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96…”

Tại phiên tòa, trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong các tài liệu, chứng cứ do các bên xuất trình, Tòa sẽ phải chủ động, tích cực thẩm vấn để làm rõ sự thật khách quan.  Trong tố tụng hành chính, tranh tụng được thể hiện rõ nét trong thủ tục xét hỏi tại phiên tòa, đặc biệt là trong thủ tục tranh luận và đối đáp. Theo khoản 2, Điều 152 Luật TTHC 2015: “ HĐXX  phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án tại phiên tòa bằng cách hỏi và nghe trình bày, tranh luận trực tiếp về tình tiết, chứng cứ của vụ án của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên tòa, nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát”.

Điều 175 Luật TTHC 2015 quy định: “Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự trong vụ án… Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa... Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt ý kiến không liên quan đến vụ án.”

Quy định này thể hiện rõ vai trò điều khiển của HĐXX trong quá trình xét hỏi, tranh luận và đối đáp công khai tại phiên tòa. Các bên đều có nghĩa vụ chứng minh, đưa ra tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong tố tụng hành chính, người tham gia tranh luận chủ yếu là các đương sự và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Nhằm bảo đảm việc tranh tụng trong TTHC đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp như Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, có ý kiến cho rằng cần phải xác định rõ và đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ của bên khởi kiện và bên bị kiện, đảm bảo cho họ quyền và nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa. Nâng cao vai trò của các bên trong việc xét hỏi, tranh luận và đối đáp trước Tòa. Các bên phải tích cực trong tranh tụng và đó là cơ sở để Tòa ra phán quyết giải quyết vụ án.

 Bên cạnh đó cần nâng cao vai trò và vị trí của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa vụ án hành chính nhưng  không phải là chủ thể tranh tụng. Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. (Điều 190 Luật TTHC 2015). Kiểm sát viên trong quá trình hỏi cần hướng cho các đương sự tranh tụng, đưa ra các chứng cứ hợp pháp bảo vệ quyền lợi cho mình, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX trong việc điều khiển quá trình tranh tụng.

Như vậy, tranh tụng tại phiên tòa hành chính là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng hành chính được quy định trong Luật TTHC 2015 đã cụ thể hóa khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 về “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” và thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đó cũng là yêu cầu cấp bách đảm bảo tính khách quan, công bằng, dân chủ trong xét xử vụ án hành chính nhằm làm căn cứ để xác định sự thật vụ án, cơ sở để hội đồng xét xử ra bản án, quyết định khách quan, đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm việc tranh tụng trong tố tụng hành chính