Đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho người dân tộc thiểu số không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là nền tảng để thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng xã hội. Bằng cách loại bỏ các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, địa lý và các chính sách giáo dục dành cho người dân tộc thiểu số đã góp phần tạo cơ hội học tập, nâng cao tri thức và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng đồng bào dân tộc.
Thúc đẩy sự bình đẳng trong giáo dục
Trong chiến lược phát triển giáo dục, Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo công bằng xã hội, đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Đây được xem là mục tiêu cấp thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện. Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, giáo dục vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào các chủ trương, chính sách và giải pháp thiết thực. Những nỗ lực này không chỉ tạo cơ hội học tập bình đẳng mà còn rút ngắn khoảng cách giữa giữa thành phố với nông thôn, miền núi và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiếp cận giáo dục là việc đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội bình đẳng trong việc học tập và phát triển. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải nỗ lực loại bỏ những rào cản cản trở việc học của học sinh, bao gồm các yếu tố như dân tộc, tôn giáo, giới tính, khuyết tật, hoàn cảnh kinh tế, vị trí địa lý và hạn chế về cơ sở vật chất. Đặc biệt, đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số, việc tiếp cận giáo dục còn gặp nhiều thách thức hơn do rào cản ngôn ngữ, khi tiếng mẹ đẻ không trùng với ngôn ngữ giảng dạy phổ thông.
Tỉnh Đắk Lắk là một ví dụ tiêu biểu trong việc thúc đẩy giáo dục vùng DTTS. Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các chính sách hỗ trợ. Tính đến ngày 5/9/2024, toàn tỉnh có 996 cơ sở giáo dục bao gồm mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, với 15.695 lớp học.
Về nhân sự, toàn tỉnh hiện có hơn 35.000 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục. Ngành giáo dục đã tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các hoạt động này không chỉ đảm bảo chất lượng dạy học mà còn cải thiện giáo dục tại vùng DTTS, nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, việc giảng dạy tiếng dân tộc trong các trường học tại vùng dân tộc thiểu số cũng đang được chú trọng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao. Dạy học tiếng dân tộc không chỉ mang lại những lợi ích lớn trong lĩnh vực giáo dục mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy ngôn ngữ, văn hóa, tri thức bản địa và tri thức nhân loại cho học sinh. Thông qua việc học tiếng dân tộc, học sinh được phát triển toàn diện cả về nhận thức và kỹ năng, đồng thời hình thành lòng tự hào và ý thức gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Hơn nữa, việc giảng dạy góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công bằng trong giáo dục tại vùng đồng bào DTTS.
Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Những năm qua, các chính sách của Đảng và Nhà nước đã đầu tư phát triển toàn diện cho vùng DTTS, đặc biệt chú trọng giáo dục. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia đã được triển khai, trong đó đáng chú ý là các chính sách: Tăng cường tiếng Việt và bảo tồn ngôn ngữ dân tộc; Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS; Quy định về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông; Kế hoạch Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 tại tỉnh Đắk Lắk.
Theo NGƯT, TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk cũng chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án, thực hiện các chính sách đầu tư phát triển cho sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và người học thuộc diện dân tộc thiểu số đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định. Những chính sách này không chỉ khuyến khích hiệu quả công tác dạy và học mà còn đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Học sinh các trường PTDTNT được cấp học bổng với mức 80% của mức lương cơ bản. Học sinh trường PTDT bán trú được hưởng bằng 40% mức lương cơ bản. Hàng năm, Sở GDĐT phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước Nam Tây Nguyên đã cấp phát gạo cho học sinh theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT. Và các chế độ chính sách khác đã được ngành GDĐT thực hiện đảm bảo cho học sinh trên địa bàn tỉnh, từ cấp mầm non đến THPT”, NGƯT, TS. Đỗ Tường Hiệp chia sẽ.
Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk xác định giáo dục chính là con đường quan trọng để bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc đưa văn hóa và nghệ thuật dân tộc vào giảng dạy đã trở thành một nội dung cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông. Nội dung này được lồng ghép linh hoạt qua các môn học, hoạt động giáo dục như giáo dục địa phương, trải nghiệm sáng tạo và xây dựng văn hóa học đường. Việc đẩy mạnh giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại địa phương.
Tất cả nhằm thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Mục tiêu đặt ra là, đến năm 2025: Bảo đảm đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Êđê cấp tiểu học; bảo đảm đủ số lượng giáo viên để giảng dạy tiếng Êđê cấp tiểu học; 40% giáo viên dạy tiếng DTTS được đào tạo đạt chuẩn trình độ; 100% giáo viên dạy tiếng DTTS được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dạy tiếng Êđê; 80% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng Êđê và Mnông được bồi dưỡng nâng cao năng lực kiến thức dân tộc và quản lý dạy học tiếng DTTS.
Những bước tiến này không chỉ góp phần thúc đẩy giáo dục mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính sách giáo dục cho người dân tộc thiểu số thực sự là cầu nối mang lại sự công bằng, hòa nhập và phát triển toàn diện cho mọi tầng lớp xã hội.