Bảo đảm nguyên tắc “Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”: Nhiệm kỳ Thẩm phán phải vững chắc và lâu dài

Nguyễn Phan Khiêm| 13/09/2016 08:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thẩm phán độc lập là nguyên tắc được ghi nhận trong hầu hết Hiến pháp các nước và cả trong các văn kiện, cam kết quốc tế. Ở Việt Nam, nguyên tắc Thẩm phán độc lập đã được quy định ngay từ bản Hiến pháp năm 1946 và được kế thừa trong suốt lịch sử lập hiến.

Nhìn từ góc độ quyền con người, đây cũng là một nguyên tắc quan trọng. Một trong các yêu cầu để bảo đảm và nâng cao tính độc lập của Thẩm phán là nhiệm kỳ Thẩm phán.

Yêu cầu cần thiết

Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. GS. Nguyễn Đăng Dung cho rằng: Quy định này nhấn mạnh bốn trách nhiệm của Nhà nước: “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”, quy định này đặt ra trách nhiệm hết sức to lớn và nặng nề đối với hệ thống tư pháp, trong đó có trách nhiệm vô cùng quan trọng của Tòa án nhân dân các cấp trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” (khoản 2, Điều 103 Hiến pháp 2013). Đây là nguyên tắc quan trọng, có giá trị phổ biến đối với tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án trên thế giới, phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Việc “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” sẽ làm cho quyền hạn và tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm được tăng lên.

Sự độc lập của Thẩm phán là hạt nhân của Tòa án. Nhưng nguyên tắc này không thể chỉ dừng lại ở chỗ kêu gọi hay áp đặt nghĩa vụ lên Thẩm phán phải độc lập, bởi vì điều đó sẽ là không thực tế nếu như Thẩm phán không được hưởng những biện pháp bảo đảm cho mình có thể độc lập được. Vì vậy, cần chú trọng xây dựng những quy định cho Thẩm phán có những quyền hoặc những điều kiện đảm bảo để họ có thể độc lập.

Trước hết, Thẩm phán vừa phải có trình độ hiểu biết pháp luật sâu sắc, vừa phải có bản lĩnh và tinh thần tôn trọng công lý. Bên cạnh đó, cần phải bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán với lãnh đạo cơ quan Tòa án; độc lập của Tòa án cấp dưới với Tòa án cấp trên; độc lập của Tòa án với Viện kiểm sát và cơ quan điều tra... Điều này đặt ra yêu cầu: Thẩm phán phải đủ năng lực và điều kiện làm việc; Thẩm phán có lợi ích liên quan tới vụ án thì không được xét xử; Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình; chế độ đãi ngộ cho Thẩm phán phải được bảo đảm...Và đặc biệt là nhiệm kỳ Thẩm phán phải vững chắc và lâu dài.

Bảo đảm nguyên tắc “Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”: Nhiệm kỳ Thẩm phán phải vững chắc và lâu dài

Ngày 31/7/2015 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Quyết định bổ nhiệm 15 Thẩm phán TANDTC

Theo Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm. Thời gian này là ngắn và chưa phù hợp, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán, thậm chí có nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm; nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc “độc lập” của Thẩm phán khi xét xử bị ảnh hưởng. Nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tổ chức, quản lý của Tòa án, gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm.

Do vậy, theo quy định tại Điều 74 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Đó là bước tiến đáng kể trong việc thay đổi nhiệm kỳ Thẩm phán so với trước đây.

Nhiệm kỳ Thẩm phán ở một số quốc gia trên thế giới

Ở Cộng hòa Pháp, các Thẩm phán ngạch tư pháp do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Thẩm phán tối cao hoặc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và phục vụ cho đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi).

Tòa án Hiến pháp của Cộng hòa Liên bang Đức thì các ứng viên Thẩm phán được đề cử từ nhiều nguồn như Bộ Tư pháp Liên bang, các nhóm Hạ nghị viện, Chính phủ bang. Trong số 16 Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Liên bang thì 8 người do Thượng nghị viện bầu trực tiếp, 8 người do Ủy ban tuyển chọn Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Liên bang của Hạ nghị viện chọn. Sau khi được lựa chọn, danh sách Thẩm phán sẽ được trình lên Tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kỳ 12 năm không tái nhiệm.

Bố nhiệm Thẩm phán ở các Tòa án khác tại Đức thì có Thẩm phán thử việc trong thời gian 5 năm. Sau đó, người được bổ nhiệm Thẩm phán chính thức thì đều được bổ nhiệm cho đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi).

Ở Hungari, Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu tiên có nhiệm kỳ 3 năm. Sau 3 năm, nếu đạt yêu cầu họ sẽ được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu là 70 tuổi. Kỳ đánh giá thứ hai sau 3 năm Thẩm phán được bổ nhiệm chính thức và sau đó được đánh giá 8 năm một lần và lần cuối cùng là 6 năm trước khi Thẩm phán đến tuổi nghỉ hưu.

Ở Thái Lan, Tòa án Hiến pháp gồm Chánh án và 14 Thẩm phán do Nhà Vua bổ nhiệm theo đề nghị của Thượng nghị viện. Chánh án và các Thẩm phán chỉ đảm nhiệm duy nhất một nhiệm kỳ 9 năm.

Thái Lan có bốn loại Thẩm phán là Thẩm phán chuyên nghiệp, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán không chuyên nghiệp (Hội thẩm) và Kadi. Kadi là chuyên gia am hiểu Luật đạo Hồi tham gia vụ án về tuân thủ đạo Hồi tại một số tỉnh áp dụng Luật Hồi giáo. Theo luật Thái Lan, một Thẩm phán có thể bị miễn nhiệm do những lý do: Chết, xin thôi việc, miễn nhiệm công việc theo Luật về tiền thưởng và lương hưu của công chức, chuyển công tác để thực hiện công việc không phải là cán bộ tư pháp, bị buộc thôi việc, bị đuổi, sa thải, cách chức.

Thẩm phán cao cấp làm việc đến năm 70 tuổi

Tại Hoa Kỳ, các Thẩm phán ngừng thực hiện nhiệm vụ xét xử của mình khi nghỉ hưu theo nguyện vọng hoặc do tình trạng sức khỏe yếu kém, hoặc qua đời, hay bị kỷ luật.

Với các Thẩm phán Liên bang, họ đều được giữ chức vụ đó “trong thời gian có hành vi chính đáng”, có nghĩa là họ sẽ giữ chức vụ đó suốt đời hoặc cho đến khi họ muốn ngừng lại. Cách thức duy nhất khiến họ phải từ nhiệm là thông qua việc luận tội, cáo buộc bởi Hạ nghị viện hay Thượng nghị viện.

Với Thẩm phán bang, việc nghỉ hưu đặt ra khi họ đã quá già hoặc không còn thích hợp để đảm nhiệm chức vụ. Độ tuổi tối đa để Thẩm phán nghỉ hưu dao động từ 65 đến 75 và phổ biến ở độ tuổi 70. Một số bang có kế hoạch giảm phúc lợi hưu trí đối với các Thẩm phán đã phục vụ vượt quá nhiệm kỳ mong muốn, có nghĩa là các Thẩm phán càng giữ chức vụ của mình lâu thì phúc lợi hưu trí của họ càng giảm.

Ở Trung Quốc, pháp luật chỉ quy định nhiệm kỳ đối với Chánh án, còn các chức vụ từ Phó Chánh án trở xuống thì không qui định nhiệm kỳ. Điều đó có nghĩa là Thẩm phán được bổ nhiệm cho đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên nếu Thẩm phán thuộc một trong các trường hợp qui định tại Điều 13 Luật Thẩm phán thì sẽ bị bãi miễn như: qua sát hạch không còn xứng đáng với chức vụ, phạm tội, vi phạm pháp luật…

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Quy trình bổ nhiệm Thẩm phán ở các quốc gia có sự khác nhau, tuy nhiên họ đều có điểm chung là nhất định thực hiện theo tiêu chí công khai, minh bạch, đòi hỏi cao về chuyên môn.

Ở các quốc gia có truyền thống thông luật, Tòa án không có vai trò gì trong việc tuyển chọn các ứng cử viên để bổ nhiệm Thẩm phán. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người chịu trách nhiệm về thực hiện qui trình tuyển chọn Thẩm phán. Việc đánh giá ứng viên được xác định dựa trên các tiêu chí: Khí chất của một Thẩm phán, năng lực chuyên môn và tính liêm chính… Thẩm phán được bổ nhiệm không thời hạn cho đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tại vị, các Thẩm phán luôn chịu sự giám sát của Hội đồng hoặc Ủy ban Tư pháp.

Ở các quốc gia theo truyền thống dân luật, để trở thành Thẩm phán, các ứng viên phải trải qua quá trình đào tạo dưới nhiều hình thức và qua một kỳ thi tuyển. Thông thường Chánh án tối cao là người đề nghị người đứng đầu cơ quan hành pháp hoặc Thượng nghị viên bổ nhiệm Thẩm phán.

Đại đa số các quốc gia, Thẩm phán được bổ nhiệm hay bầu đều thực hiện nhiệm vụ cho đến tuổi nghỉ hưu. Những Thẩm phán nghỉ hưu vẫn có thể được mời tham gia xét xử (như Liên bang Nga) hoặc làm Thẩm phán bán thời gian như ở Úc, Canada. Ngoài các Thẩm phán được bổ nhiệm chính thức, còn có những Thẩm phán được bổ nhiệm “không chính thức”, thí dụ Hoa Kỳ, Thẩm phán hòa giải và tiểu hình do các Thẩm phán lựa chọn và bổ nhiệm. Tại Trung Quốc, các Thẩm phán phụ thẩm do Chánh án các Tòa án bổ nhiệm trong số các cán bộ ở Tòa án mình.

Đó là những kinh nghiệm quốc tế Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng qui trình tuyển chọn Thẩm phán, cũng như kinh nghiệm sử dụng Thẩm phán nghỉ hưu, bổ nhiệm Thẩm phán phụ thẩm để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và giảm tải công việc của các Thẩm phán.

“Với việc cho phép Thẩm phán có nhiệm kỳ suốt đời thì sự độc lập của họ sẽ được tối đa hóa và niềm tin của công chúng vào hệ thống Tòa án vì thế cũng được tối ưu hóa”. 

Quyền con người trong thi hành công lý – Số tay quyền con người dành cho Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm nguyên tắc “Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”: Nhiệm kỳ Thẩm phán phải vững chắc và lâu dài