Bảo đảm nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”

TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi (VKSNDTC)| 24/04/2014 23:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có thể khẳng định rằng, sự ra đời của Tòa án gắn liền với hoạt động xét xử và xét xử là đặc điểm quan trọng nhất khi nói đến Tòa án.

Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) đã khẳng định: Tòa án - với chức năng xét xử - là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Hoạt động xét xử của Tòa án là biểu hiện tập trung nhất của quyền lực tư pháp. Kết quả xét xử thể hiện nền công lý, sự đối xử bình đẳng, công bằng trong tất cả các mối quan hệ và cũng là thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống tư pháp. Xuất phát từ bản chất của hoạt động tư pháp mà Tòa án là trung tâm của việc thực hiện và xét xử là hoạt động trọng tâm, đòi hỏi việc xét xử phải bảo đảm tính độc lập. Chính vì vậy, nguyên tắc độc lập xét xử được coi là tiền đề nền tảng của hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quan trọng cho việc xét xử được bình đẳng, dân chủ, khách quan.

Điều 130 Hiến pháp 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định mạnh mẽ hơn” “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Để khẳng định sự tồn tại tất yếu của nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, chúng tôi cho rằng, cần nhận thức đúng về nguyên tắc này. Đây là vấn đề hiện đang có những quan điểm, nhận thức khác nhau. Theo chúng tôi, độc lập xét xử phải được hiểu với nghĩa là khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm (nói đúng hơn là từng Thẩm phán và Hội thẩm trong Hội đồng xét xử) chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật, căn cứ vào các chứng cứ hợp pháp để xét xử và tuyên bản án trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa một cách dân chủ, công khai, khách quan. Không một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có quyền can thiệp, chỉ đạo, định hướng Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử.

Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và quyết định về việc giải quyết vụ án, vụ việc. Trong lĩnh vực hình sự, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền quyết định bị cáo có tội hay không có tội. Vì thế, quyết định của Tòa án phải là quyết định khách quan, chính xác và độc lập xét xử phải là một nguyên tắc hoạt động của Tòa án. Khi xét xử vụ án hình sự, Hội đồng xét xử căn cứ vào các tình tiết của vụ án, các chứng cứ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa và căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định tội phạm cũng như hình phạt đối với người phạm tội. Các thành viên Hội đồng xét xử (Thẩm phán và Hội thẩm) không được để cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì chi phối mà xử lý vụ án không đúng pháp luật. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm phải tự mình nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, kết hợp với những chứng cứ đã được thu thập và đánh giá, thẩm tra để đưa ra kết luận riêng của mình đối với từng vấn đề của vụ án mà không bị động, lệ thuộc vào quyết định, kết luận của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Bảo đảm nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập không có nghĩa là việc xét xử của họ không chịu sự kiểm tra, giám sát. Theo quy định của pháp luật, Tòa án cấp trên có quyền thẩm tra những bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới và hủy bỏ những chứng cứ trong trường hợp trái pháp luật hoặc không có cơ sở đúng đắn. Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập nhưng phải tuân theo pháp luật, không được xét xử tùy tiện. Hoạt động của Thẩm phán và Hội thẩm có mối liên hệ thống nhất với nhau. “Độc lập” và “chỉ tuân theo pháp luật” là hai nội dung có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. “Độc lập” là điều kiện cần thiết để Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật, còn “tuân theo pháp luật” là cơ sở không thể thiếu để Thẩm phán và Hội thẩm độc lập khi xét xử. Mối quan hệ này có tính chất chi phối, ràng buộc lẫn nhau. Nếu chỉ “độc lập” mà không “tuân theo pháp luật” thì dễ dẫn đến xét xử tùy tiện, chủ quan, độc đoán.

Trong quá trình cải cách tư pháp ở nước ta, nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đã và đang từng bước được bảo đảm bằng những chủ trương về đổi mới tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; về quy chế Thẩm phán và các quy định của Hiến pháp và pháp luật tố tụng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, sửa đổi quy định của Luật Tổ chức TAND và các Luật về tố tụng tư pháp, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật để bảo đảm tốt hơn nguyên tắc này.

Để tăng cường tính độc lập của Thẩm phán, chúng tôi cho rằng, nhiệm kỳ của Thẩm phán cần phải được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng bổ nhiệm Thẩm phán không có kỳ hạn, bởi vì chức danh Thẩm phán là chức danh nghề nghiệp, thể hiện lĩnh vực công tác thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ, không phải chức vụ quản lý. Nếu Thẩm phán vi phạm pháp luật hoặc không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ thì đã có các quy định về miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán trong từng trường hợp cụ thể. Tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, hầu hết các nước cũng không quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán.

Bên cạnh đó, cần có những quy định pháp lý đề cao hơn nữa vị trí của Thẩm phán, chẳng hạn, quy định cơ chế để đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể đối với Thẩm phán; chuẩn hóa các yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm xét xử của mỗi ngạch Thẩm phán; hạn chế tối đa việc đưa cán bộ các cơ quan khác sang Tòa án, sau đó mới đi học về nghiệp vụ xét xử. Cùng với việc tăng cường năng lực đội ngũ Thẩm phán, cần phải tăng cường năng lực đội ngũ Hội thẩm nhân dân.

Về hoàn thiện các quy định của pháp luật, để Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có thể độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng đều phải được quy định chính xác, thống nhất, chặt chẽ, bảo đảm Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử phải độc lập đối với ý kiến của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, các cơ quan hoặc cán bộ nhà nước khác.

Về quản lý, chỉ đạo, điều hành trong nội bộ ngành, đối với các vụ án cụ thể, Hội đồng xét xử chỉ tuân theo hướng dẫn chung về áp dụng pháp luật, về đường lối xét xử; khắc phục triệt để hiện tượng “chỉ đạo” của cấp trên đối với cấp dưới về những vấn đề áp dụng pháp luật hình sự, về đánh giá vụ án và áp dụng hình phạt. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”