Báo cáo vụ phá rừng ở huyện Lang Chánh

Thanh Phương| 09/02/2023 10:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 9/2, thông tin từ UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết, sau khi đoàn liên ngành vào hiện trường kiểm đếm, thống kê, đo đạc số liệu cụ thể số lượng cây, gỗ rừng bị chặt hạ, đã có báo cáo gửi cấp trên. Đồng thời giao cho cơ quan điều tra nhanh chóng thu thập hồ sơ, tài liệu, đối tượng để khởi tố vụ án.

Cụ thể, theo báo cáo, từ ngày 7/1 đến 9/1/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Lang Chánh đã tiến hành kiểm tra 50 lô rừng thuộc 02 thôn Tráng, thôn Yên Thành, sau kiểm tra phát hiện 198 cây gỗ (gồm 12 cây gỗ cao su, cây gỗ vườn nhà; 73 cây gỗ tự nhiên tái sinh trên đất trống, trong rừng trồng keo, luồng; 113 cây trong rừng tự nhiên nghèo kiệt phục hồi là rừng sản xuất) thuộc loại gỗ thông thường từ nhóm VII đến nhóm VIII bị khai thác chỉ còn lại gốc. Đa số cây có đường kính mặt cắt gốc trung bình từ 20-25cm và một số cây từ 30-40 cm; phần lớn gỗ, củi đã được lấy khỏi hiện trường, số còn lại được cắt thành 130 khúc dạng củi, đường kính đầu lớn 8-9 cm, dài 1m, trọng lượng 1,1 tấn (tương đương 1,1 m).

Khối lượng 186 cây gỗ tự nhiên (được áp dụng phương pháp xác định thể tích thân cây gỗ chỉ còn lại gốc chặt cắt ngang mặt đất theo tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 13459:2021): 22,698m. Các cây gỗ bị khai thác nằm rải rác trên diện tích của 50 lô rừng, được giao cho 12 hộ gia đình, 4 nhóm hộ (gồm 18 hộ gia đình) và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa.

Báo cáo vụ phá rừng ở huyện Lang Chánh

Cây rừng bị chặt hạ

Mở rộng kiểm tra ở 14 lô rừng khác: Phát hiện 146 cây gỗ thông thường thuộc rừng tự nhiên tái sinh nghèo và trung bình (đa số cây ưa sáng mọc nhanh từ nhóm VII đến nhóm VIII) có đường kính mặt cắt gốc trung bình từ 12 -20 cm và có một số cây đường kính gốc từ 30-40 cm; phần lớn gỗ, củi sau khai thác đã được đưa ra khỏi rừng; số còn lại được cắt ngắn (dạng củi) dài 50-60 cm, hình thù phức tạp, trọng lượng 5,5 tấn (tương đương 5,5m) trong đó, đã thu hồi 3,0 tấn, đang tiếp tục thu hồi 2,5 tấn; Khối lượng các cây gỗ bị khai thác trái phép chỉ còn lại gốc chặt, được tính trên cơ sở tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 13459:2021: 10,209 m. Diện tích rừng nói trên, đã được giao cho 09 hộ gia đình. Qua vết chặt, gốc cây và số củi còn tại rừng xác định thời gian khai thác từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2022.

Tổng cộng về phúc tra và kiểm tra mở rộng: Đã kiểm tra 64 lô, 16 khoảnh, 4 tiểu khu; số chủ rừng là 21 hộ gia đình, 4 nhóm hộ (gồm 18 hộ gia đình) và Công ty TNHH MTV cao su Thanh Hóa; có 332 cây gỗ thông thường thuộc rừng tự nhiên bị khai thác trái phép; trong đó có 73 cây tái sinh trên đất trống và trong rừng trồng; 259 cây tái sinh trong tự nhiên nghèo và trung bình là rừng sản xuất; khối lượng gỗ củi tính theo cơ sở tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 13459:2021, là 32,907 m; số còn tại rừng 2,5 tấn dạng củi (tương đương 2,5 m ); số đã thu hồi 4,1 tấn (tương đương 4,1 m).

Cơ quan chức năng kiểm tra tại gia đình ông Lê Văn Toàn, trú tại thôn Yên Thành, xã Yên Thắng phát hiện cất giữ trái pháp luật 1,8 tấn củi (0,8 tấn của tươi và 1,0 tấn củi khô, mục); Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập hồ sơ tạm giữ toàn bộ lâm sản. Phát hiện tại bìa rừng, đường mòn vào rừng cất giấu 4,1 tấn củi (4,1 m) không xác định được đối tượng cất giấu; đã lập hồ sơ tạm giữ lâm sản.

Ngày 8/1, kiểm tra tại nhà ông Lê Thế Anh, trú tại thôn Yên Thành, xã Yên Thắng, cất giữ 47 tấm gỗ loại thông thường còn tươi, khối lượng 0,709 m3 sử dụng để sửa nhà. Số gỗ trên ông Anh khai thác trái pháp luật tại hơn Piềng, thôn Tráng là rừng sản xuất nghèo kiệt thuộc rừng tự nhiên.

Báo cáo vụ phá rừng ở huyện Lang Chánh

Số gỗ còn nằm lại chưa kịp đưa ra khỏi rừng

Cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra một số tổ chức, doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn để xác minh, truy xuất nguồn gốc, lập biên bản để xử lý theo quy định. Đoàn Kiểm tra của UBND huyện Lang Chánh, đang tiếp tục mở rộng kiểm tra ở các khu vực lân cận và các xã trọng điểm khác trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo đo đếm, xác định thiệt hại; điều tra, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm minh đối tượng khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn xã Yên Thắng. Xử lý trách nhiệm của chủ rừng để rừng bị khai thác trái pháp luật; xem xét, làm rõ trách nhiệm của chính quyền xã Yên Thắng, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để rừng bị khai thác trái pháp luật nhưng phát hiện chậm, xử lý không dứt điểm.

Được biết, từ đầu năm 2022 đến đầu tháng 01/2023, trên tuyến đường từ xã Yên Thắng đi Trí Nang, Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh đã phối hợp kiểm tra, bắt giữ xử lý 09 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, lâm sản tạm giữ, tịch thu: 7,167 m gỗ tròn; 0,118 mở gỗ xẻ; 05 tấn gỗ dạng củi (tương đương 5m ); đã xử lý 06 vụ, phạt tiền 51.000.000 đồng, tịch thu 3,290 m gỗ tròn, 0,118 m gỗ xẻ; 03 vụ đang hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật; tạm giữ 3,877m gỗ tròn, 05 tấn gỗ dạng củi (tương đương 5m ), tạm giữ 01 xe ô tô 17K-6951 do ông Lương Văn Đại sinh năm 1992, trú tại thôn Tráng, xã Yên Thắng, vận chuyển trái pháp luật 2,611 m gỗ rừng tự nhiên và gỗ cao su.

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa Cao Văn Cường cho biết: “Khi nhận được tin, Sở đã chỉ đạo khẩn, lập đoàn kiểm tra lên huyện Lang Chánh, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan để xác minh, xử lý vụ việc. Tại địa phương, một đoàn công tác do Chủ tịch UBND huyện, Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân, kiểm lâm trực tiếp vào hiện trường để làm rõ loại rừng, chủ rừng, tiến hành đo đếm, tính toán thiệt hại. Xem xét khởi tố vụ án nếu đủ cơ sở. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ được xem xét, xử lý nghiêm.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo vụ phá rừng ở huyện Lang Chánh