Bánh chim cò hay còn gọi là con giống bột là loại bánh thủ công được nặn từ bột gạo tẻ là một loại đồ chơi rất thú vị của trẻ em trong mỗi dịp Tết trung thu xưa nay được nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục dựng lại và giới thiệu trong sự kiện Thu Vọng Nguyệt.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, vào những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước, trên mâm cỗ trông trăng của trẻ nhỏ nhất định phải có đủ ba món là: bánh trung thu, bánh chim cò và đèn lồng phết giấy để rước cùng các đám múa sư tử. Việt Nam là đất nước duy nhất có tục lệ nặn bánh chim cò làm đồ chơi trẻ em trong dịp Tết Trung thu.
Trên mâm cỗ trông trăng của trẻ nhỏ nhất định phải có đủ ba món là: bánh trung thu, bánh chim cò và đèn lồng phết giấy
Những chú chim cò xinh xắn được tạo hình khéo léo bằng phương pháp thủ công giúp mâm cỗ trung thu trở nên sống động hơn
Nguồn gốc bánh chim cò từ làng Xuân La, Phú Xuyên. Theo những nghệ nhân ở đây thì gọi là bánh chim cò bởi đây là loại bánh được làm từ bột gạo tẻ đồ chín, sau đó đem nhuộm màu từ các loại củ quả tự nhiên như nghệ, than tre, gấc … rồi đem nặn thành các hình chim thú, trẻ em sau khi chơi xong có thể ăn được luôn. Khác với tò he bây giờ được nặn từ bột nếp, bánh chim cò làm từ bột gạo tẻ cứng cáp hơn và có thể giữ được nhiều năm.
Bên cạnh bánh chim cò, những con giống bột ngây ngô cũng khiến người xem cảm thấy thú vị:
Bánh chim cò làm từ bột gạo tẻ nên cứng cáp hơn và có thể giữ được nhiều năm. Khi “lưu hành” vào đến khu vực nội thành Hà Nội, bánh chim cò đã biến chuyển đa dạng hơn với tạo hình thành con giống bột
Không ai biết nguồn gốc bánh chim cò có từ bao giờ, chỉ biết đã từ lâu lắm rồi vào mỗi độ trung thu về, các bà các mẹ lúc nông nhàn lại nặn bánh chim cò sặc sỡ sắc màu đem bày lên mâm cỗ cho trẻ con chơi. Khi “lưu hành” vào đến khu vực nội thành Hà Nội, bánh chim cò đã biến chuyển đa dạng hơn với tạo hình thành con giống bột và các nhân vật huyền thoại. Ngày nay, bánh chim cò đã được gọi bằng cái tên thông dụng hơn là tò he với muôn hình muôn vẻ các nhân vật từ tân cổ tới hiện đại.
Các con giống được nặn thường có chủ đề gần gũi, thân thuộc với con người như trâu, ngựa, dê, chó... Khi phục dựng món đồ chơi cổ này ra với công chúng, nhà nghiên cứu Trịnh Bách mong muốn là mọi người hãy cùng nhìn lại, trân trọng hơn và gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc hơn nữa.
Những con giống bột được nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục dựng cho sự kiện Thu Vọng Nguyệt
Bên cạnh bánh chim cò và những con giống bột được phục dựng từ nửa thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Trịnh Bách còn mang đến cho khách tham quan trong sự kiện Thu Vọng Nguyệt những chiếc đèn lồng được làm lại theo nguyên mẫu đèn trung thu trước năm 1975.
Đèn con cá - một trong những mẫu đèn Trung Thu cổ được nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục dựng và giới thiệu tại Văn Miếu trong sự kiện Thu Vọng Nguyệt. Thu Vọng Nguyệt là hoạt động tiếp theo của Quán Ăn Ngon trong nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống không chỉ dựa trên nghệ thuật ẩm thực mà còn thông qua sức hấp dẫn của nghệ thuật sắp đặt và trình diễn ánh sáng, âm nhạc.
Đây cũng là sự kiện văn hóa được trông đợi nhất trong mùa trung thu Hà Nội 2017 mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống với các chất liệu giao hòa giữa cũ và mới, xưa và nay, dân gian và hiện đại. Sự kiện diễn ra trong 3 đêm từ 29/9 -1/10 với 3 sắc màu văn hóa: Thu Tinh Hoa thiên về yếu tố hoài niệm quá khứ, Thu Tương Ngộ cho lứa tuổi thanh niên và Thu Tuổi Thơ sẽ đưa khán giả ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp. Thông qua sự kiện này ban tổ chức mong muốn sẽ tạo được một kỷ niệm khó quên với người dân và du khách cũng như giúp các em nhỏ hiểu rõ hơn về Trung Thu truyền thống./