Sáng 16/1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Tọa đàm chuyên gia Kinh tế Việt Nam 2013 và triển vọng 2014.
TS. Bùi Văn Thạch, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; TS. Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân chủ trì buổi tọa đàm.
Các chuyên gia tham gia tọa đàm đã tập trung đánh giá, nhận định về tác động của tình hình kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam trong năm 2013 và dự báo trong thời gian tới; đánh giá về phản ứng chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; những vấn đề nổi lên trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; về các đột phá chiến lược trong điều kiện nguồn lực hạn chế như hiện nay đối với nước ta cần có những vấn đề, giải pháp gì quyết liệt để đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn cho xây dựng kết cấu hạ tầng và chính sách nào để đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao; vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế cần có những biện pháp gì để huy động nguồn lực thực hỗ trợ cho tái cơ cấu nền kinh tế.
TS. Bùi Văn Thạch, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Bùi Văn Thạch, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, năm 2014, nhiều chuyên gia dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi khả quan và tăng trưởng cao hơn năm 2013. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 3,5 - 3,6%, cao hơn so với năm 2013 là 2,9%. Chúng ta có thể nhìn nhận vào 4 điểm chính: Một là, các nền kinh tế hàng đầu vẫn tiếp tục có tăng trưởng khá cao như Trung Quốc, Mỹ. Bên cạnh đó, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozon) bắt đầu khắc phục khó khăn nợ công, tiếp tục tăng trưởng xấp xỉ 1% (trước đó khu vực này có thời kỳ tăng trưởng âm). Ngoài ra, các nước châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực tăng trưởng năng động. Các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự báo cũng được đẩy mạnh tăng trưởng hơn, nhất là Mỹ, Nhật Bản sẽ tập trung vào thị trường Đông Nam Á… Từ những dự báo đó, kinh tế thế giới sẽ tác động khá tích cực đối với Việt Nam trong năm 2014.
Các cơ quan chủ trì tọa đàm cũng mong muốn, thông qua tọa đàm lần này sẽ thu hút được nhiều các ý kiến chuyên gia nhằm kiến nghị về những vấn đề cần quan tâm, chỉ đạo trong thời gian tới nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch của năm 2014 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Thanh Liêm