Doanh nghiệp - Doanh nhân

Băn khoăn đề xuất áp Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Trang Nhi 05/07/2023 - 10:31

Sáng nay, ngày 5/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). 

ong-dau-tuan-anh.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Trang Nhi

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi người, lĩnh vực này khá nhạy cảm, và VCCI nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp. Dự án Luật này tác động nhiều chiều đến doanh nghiệp, có những doanh nghiệp nêu ý kiến Dự án Luật này có tác động sống còn đến hoạt động của doanh nghiệp. Lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp trước khi ban hành một Dự án Luật Thuế là điều cần thiết, cấp thiết.

Hội thảo "Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" nhằm thảo luận, giải đáp tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp như bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tại Hội thảo, Ban Pháp chế VCCI cho biết, trong các nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung, đặc biệt có nhóm Nước giải khát có đường, mục đích bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa sự thừa cân béo phì đang báo động, nguy cơ cao đối với nhiều bệnh không lây nhiễm…

Đối tượng thứ hai cần xem xét kỹ lưỡng là nhóm thức uống đại mạch và nước giải khát (NGK) không cồn. Hiện nay Thuế TTĐB không phân biệt có cồn hay không có cồn. Các sản phẩm này có nguyên liệu, quy trình sản xuất, hình thức và mùi vị tương tự bia. Nếu không đánh thuế, đồ uống có cồn giá trị thấp hơn, giới trẻ dễ hình thành thói quen uống sản phẩm giống bia.

Nhóm thứ ba là sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch thuốc lá mới. Hiện nay Thuế TTĐB đang áp dụng với thuốc lá điếu, xì gà… Sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha chứa thành phần độc hại như thuốc lá truyền thống, vì vậy chính sách thuế tương tự như thuốc lá thông thường.

Nhóm thứ tư là kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, việc áp thuế sẽ định hướng kinh doanh, tiêu dùng nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ thế hệ trẻ.

Cuối cùng là việc sửa đổi đối tượng chịu thuế với nhóm xe ô tô, bổ sung loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ; tàu bay sửa đổi theo hướng chỉ quy định “máy bay, trực thăng, tầu lượn”.

toan-canh-hoi-thao.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Trang Nhi

Đại diện ban Pháp chế VCCI cho biết: Hiện nay Luật Thuế TTĐB chỉ áp dụng phương pháp tính theo tỷ lệ phần trăm, bổ sung vì vậy cần hoàn thiện về căn cứ tính thuế. Cùng với đó, giá tính thuế TTĐB, thuế suất Thuế TTĐB , hoàn thuế TTĐB cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung và áp dụng theo thực tế và lộ trình rõ ràng.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh việc hiện nay các Doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đối với riêng ngành giải khát cuối năm 2020 có 1.800 cơ sở sản xuất cung cấp việc làm cho 300.000 lao động. Năm 2023 doanh nghiệp đi ngược xu thế tăng trưởng với môi trường kinh doanh chậm chuyển biến, thậm chí gặp nhiều rào cản nặng nề hơn.

TS. Nguyễn Minh Thảo đặt giả thiết Dự thảo Luật Thuế TTĐB mới đây mở rộng đối tượng chịu thuế, trong đó có đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn và áp dụng thuế TTĐB đối với NGK theo hàm lượng nhất định, thì mục tiêu tài khoá, mục tiêu xã hội, sức khoẻ cộng đồng có đạt được mục tiêu như mong muốn.

Việc áp dụng Thuế TTĐB đối với nhóm ngành NGK có thể dẫn tới tác động tiêu cực, làm tăng chi phí bán lẻ, giảm sản lượng, Nhà nước không nuôi dưỡng được nguồn thu của ngân sách, cũng như tăng hiện tượng buôn lậu.

Việc tăng Thuế TTĐB từ 0% lên 10% dự báo ảnh hưởng sụt giảm sản lượng -3,159,5 tỷ đồng, cũng như GDP, thu nhập người lao động, thu ngân sách qua thuế đều giảm.

TS. Nguyễn Minh Thảo đưa ra nhiều ý kiến cân nhắc các giải pháp đối với nhóm NGK, việc mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế sẽ tạo gánh nặng và thậm chí làm kiệt quệ hơn sự khó khăn của DN trong bối cảnh hiện nay.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết: hiện nay có 45 quốc gia (chưa đến ¼ các nước trên thế giới) áp dụng Thuế TTĐB đối với NGK có đường, tuy nhiên việc áp dụng chưa đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

ong-vu-tu-thanh.jpg
Ông Vũ Tú Thành – Phó GĐ Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN nêu ý kiến tại Hội thảo

Cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành NGK mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần.

Việc áp Thuế TTĐB với NGK có đường với mức thuế suất 10% sẽ giúp tăng ngân sách nhà nước khoảng 2.279,1 tỷ đồng song ngược lại sẽ làm giảm doanh thu và sản lượng riêng ngành NGK và ngành mía đường khoảng 3.159,5 tỷ đồng, dẫn tới tổng ảnh hưởng là -880,4 tỷ đồng.

Việc này còn gây tác động đến hàng ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới 9 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm. 

Chia sẻ thêm về quan điểm này, Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – NGK, dẫn chứng số liệu của Tổng cục thống kê mới công bố về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,29% trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024. Nếu cải cách các loại thuế nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Trung, trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, đường là một mặt hàng đặc biệt khi đang được hưởng những chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển, như hạn ngạch thuế quan, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Việc áp dụng thuế TTĐB cho các sản phẩm có đường sẽ tạo sự thiếu nhất quán về mặt lập pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành đường bằng cách gián tiếp hạn chế lượng tiêu thụ đường. Ngoài ra, mục tiêu thu ngân sách cũng khó đạt được do sự tương quan trong việc giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà sản xuất đồ uống, tạo sự sụt giảm theo chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp cung cấp đầu vào khác cũng chịu sự sụt giảm theo.

Ông Trung cũng lo ngại công cụ thuế khó có thể điều chỉnh hành vi người tiêu dùng do đồ uống là một loại thực phẩm, là nhu cầu cơ bản. Thay vào đó, cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp hơn như Quy chuẩn Kỹ thuật về hàm lượng đường tối đa trong thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn đề xuất áp Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường