Đời sống

Bản hùng ca Truông Bồn sáng mãi trong dòng chảy lịch sử

Hải Yến 29/10/2023 - 16:56

Với giá trị ý nghĩa lịch sử sâu sắc, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã trở thành "địa chỉ đỏ" kết nối quá khứ và hiện tại. Hiện nay, Truông Bồn đã và đang hồi sinh, phát triển từng ngày cùng quê hương, đất nước, mãi là bản trường ca bất tử trong dòng chảy lịch sử và phát huy giá trị cho đến hôm nay.

Cung đường huyền thoại mang tên Truông Bồn

Nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2023), vào những ngày này, hàng nghìn du khách thập phương trên mọi miền đất nước đang tìm về tri ân với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc.

truong-bon-1.jpg
Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 - đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xây dựng tuyến đường chiến lược 15A và tranh thủ mọi lực lượng, thời gian, vận dụng mọi khả năng vận tải đi qua Truông Bồn để chi viện kịp thời cho chiến trường. Hòng hủy diệt Truông Bồn, cắt đứt mạch máu giao thông của ta, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá.

Từ năm 1964 - 1968 đế quốc Mỹ đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương. Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương, trong đó, có 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ.

Vậy nhưng, bom đạn giặc Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của quân và dân ta: “Sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập - nhưng đường không thể tắc”.

Các lực lượng của quân và dân ta đã giữ vững được mạch máu giao thông, đóng góp trên 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu khối đất, đá, đưa 94.000 lượt xe quân sự vượt qua “Truông” an toàn. Đồng thời, vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác... để giải phóng hàng vượt qua “truông” khi bị địch đánh phá, phong tỏa.

Trong cuộc chiến khốc liệt này, tất cả các lực lượng đã chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm. Truông Bồn đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt góp phần làm nên huyền thoại Truông Bồn

Theo thời gian, địa danh Truông Bồn càng trở nên thiêng liêng, ý nghĩa hơn trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, một phần là do có sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước.

Đại đội TNXP 317 là đơn vị chủ lực nên được điều động đi làm nhiệm vụ ở nhiều tuyến đường, sau hơn 3 năm phục vụ ở các trọng điểm giao thông quan trọng, đầu năm 1967 đơn vị được lệnh chuyển đến tọa độ lửa Truông Bồn.

truong-b(1).jpg
Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tiếp đón nhiều du khách trong và ngoài tỉnh về tham quan và tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. (Ảnh: QT)

Đến tháng 7/1968, trước tình hình máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày, đêm đảm bảo mạch máu giao thông. Đơn vị đã chọn cử 14 chiến sĩ (12 nữ và 2 nam) làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ. Đồng thời, đánh dấu vị trí bom nổ chậm để cùng công binh phá bom, san lấp hố bom, bảo đảm mặt đường, rồi lại thức trắng đêm với chiếc áo trắng làm "cọc tiêu sống" dẫn hàng ngàn chuyến xe chở hàng vào miền Nam vượt qua trọng điểm an toàn.

Sau hơn 100 ngày đêm chiến dịch, được lệnh của Ban Chỉ huy Tổng đội cho phép, Đại đội 317 đã tiến hành xét duyệt cho 8 đồng chí có thời gian phục vụ đã hết nhiệm kỳ 3 năm, có nhiều thành tích trong đơn vị và hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ. Nhưng đêm 30/10/1968, Đại đội 317 nhận được lệnh của Ban Chỉ huy phải cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào miền Nam trước khi trời sáng.

Trước tình hình đó, cả 8 người đã xung phong ra hiện trường cùng đơn vị làm nhiệm vụ với tinh thần "Một giờ còn ở đơn vị là một giờ còn ra chiến trường"; "Đường chưa thông không tiếc máu xương". 4h sáng ngày 31/10/1968, toàn đơn vị khẩn trương tập trung san lấp hố bom, đến 6h10 khi công việc sắp hoàn thành theo kế hoạch, bất ngờ có báo động máy bay Mỹ oanh tạc, các chiến sĩ trong đơn vị đã kịp rút về hầm trú ẩn, riêng 14 chiến sĩ làm nhiệm vụ cùng với đơn vị, đồng thời được phân công làm nhiệm vụ trực chiến nên rút về hầm trú ẩn sau cùng.

Những tốp máy bay Mỹ lao tới oanh tạc, 172 quả bom trút xuống đội hình đang làm nhiệm vụ, Truông Bồn chìm trong biển khói mịt mù, 13/14 chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh khi chỉ còn ít giờ nữa là máy bay Mỹ ngừng ném bom trên toàn miền Bắc.

Với lòng biết ơn và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Truông Bồn, ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 1304/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn, thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã không ngừng thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của du khách

Thời gian qua, với nhiệm vụ, trọng trách cao cả đã được giao phó, Ban Quản lý khu di tích đã không ngừng phát huy hiệu quả, giá trị của khu di tích, nâng cao công tác đón tiếp phục vụ du khách, chất lượng thuyết minh, công tác bảo tồn, sưu tầm hiện vật nhằm làm phong phú hơn giá trị lịch sử của Truông Bồn.

Công tác đón tiếp, phục vụ được thực hiện bài bản, trang trọng, khoa học, các đoàn khách qua bộ phận đăng ký được hướng dẫn nội dung, lịch trình tham quan, được bố trí lễ nghi trang trọng, được nghe thuyết minh về lịch sử oanh liệt của Truông Bồn, làm lễ tưởng niệm tại nhà thờ, tham quan các hạng mục công trình, tham quan nhà truyền thống…

Đồng thời, Ban Quản lý khu di tích cũng đã tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ cảnh quan môi trường, vệ sinh khuôn viên khu di tích đảm bảo xanh, sạch, đẹp và văn minh; Đồng thời, chú trọng công tác sưu tầm hiện vật, phục dựng các chứng tích nhằm làm nổi bật giá trị lịch sử tại Truông Bồn; Quan tâm kết nối các tour, tuyến du lịch nhằm thu hút đông đảo du khách thập phương về với Truông Bồn.

Bên cạnh đó, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, việc áp dụng công nghệ số đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, các thông tin quản lý, điều hành, các dữ liệu, thông tin lịch sử đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống thông tin điện tử như Website, các app trên mạng xã hội và đã được rất nhiều người tiếp cận, tìm hiểu, học tập.

Trước nỗ lực đánh thức những giá trị lịch sử của "địa chỉ đỏ" trong tình hình mới, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn tiếp đón ngày càng nhiều du khách trong và ngoài tỉnh về đây tham quan, tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản hùng ca Truông Bồn sáng mãi trong dòng chảy lịch sử