Bàn giải pháp mới ứng phó với những vấn đề nổi lên trong những tháng cuối năm

Xuân Lan| 01/10/2022 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 01/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.

ban-giai-phap-moi-ung-pho-nhung-van-de-noi-len-nhung-thang-cuoi-nam.gif
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.

Cùng tham dự phiên họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư.

Tham dự phiên họp tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết đề cập tình hình hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lũ lớn, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong những ngày qua, làm 7 người chết tại Nghệ An, nhiều tài sản của người dân và Nhà nước bị thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức thực hiện thật nghiêm túc Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước bão lũ, thiên tai, các cơ quan phải bám sát tình hình, vận động, hướng dẫn người dân, có những việc phải cương quyết thì mới tránh được các sự cố, hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình tháng 9 và 9 tháng vừa qua, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình thời gian tới trong tháng 10, những tháng cuối năm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mới để ứng phó với những vấn đề nổi lên, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên đã được đề ra.

Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm.

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 9 và 9 tháng năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế phục hồi rất tích cực: tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ: GDP quý III tăng 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,91%, dịch vụ tăng 18,86%; tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 03 khu vực, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn: CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng dầu, tạo dư địa hỗ trợ giá trong trường hợp cần thiết.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 26/9, tín dụng tăng 10,83% so với cuối năm trước; ổn định tỉ giá phù hợp với dư địa điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giảm áp lực tăng giá đầu vào nhập khẩu và áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư ngoài nhà nước ước tăng 10%, vốn FDI thực hiện tăng 16,2% cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Nền kinh tế tháng 9 ước xuất siêu 1,14 tỷ USD, tính chung 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc: Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Sản lượng thủy sản đánh bắt đã bắt đầu phục hồi trở lại, bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163.000 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, 74,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tích cực trong quý III; 82,6% doanh nghiệp nhận định lạc quan về tình hình quý IV; tồn kho giảm, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp tiếp tục tích cực trong quý III và dự kiến trong cả quý IV.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ một số tồn tại, khó khăn, thách thức. Nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 03 năm 2020-2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019 (6,88%). Các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 05 năm 2021-2025 (6,5-7%/năm).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch… có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch nước ta. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn giải pháp mới ứng phó với những vấn đề nổi lên trong những tháng cuối năm