Bài ca kết đoàn nơi biên giới

Nam Hoàng| 06/09/2018 06:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Biên giới - vùng đất của hàng chục dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn hoài chứa trong mình những huyền thoại, đồng thoại và dã sử do dân gian lưu truyền trong bản sắc văn hóa tộc người.

Đi giữa trùng trùng trầm tích, sẽ ngỡ ngàng nhận ra một miền dã sử chứa đựng những câu chuyện hàm chứa tính nhân văn sâu sắc dẫu chúng có thể có thật và không có thật. Ý thức bảo vệ, giữ gìn bờ cõi quốc gia, đất đai cha ông để lại được truyền từ đời này qua đời khác qua những trang sử nhân gian một cách giản dị mà đầy hiệu quả.

Màu hoa bất diệt

Trong bảng định danh tộc người, nhóm người thuộc thành phần các dân tộc Việt Nam, người Hà Nhì ở vùng biên giới Bát Xát, Lào Cai được xếp vào nhóm Hà Nhì đen. Song họ luôn chỉ nhận mình là người U Ní bởi một lý do rất đáng tự hào gắn liền với huyền thoại về người anh hùng bảo vệ biên giới và câu chuyện về cây mộc miên hoa đỏ.

Theo các nghiên cứu dân tộc học, tổ tiên người Hà Nhì trước đây sống miền Nam Trung Quốc trên cao nguyên Thanh Tạng và là một trong những dân tộc đã thiết lập nên vương quốc Nam Chiếu hùng mạnh ở phía Tây Nam Trung Quốc. Vào thế kỷ 13, khi quân Nguyên Mông của hoàng đế Hốt Tất Liệt xâm chiếm miền Nam Trung Hoa, các sắc tộc tại quốc gia này đã nảy sinh nhiều xung đột, người Hà Nhì và một số dân tộc ít người khác dạt xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Đó là chính sử, còn dã sử của những người dân hiền lành dưới chân Nhìu Cồ San lại ghi một câu chuyện khác rằng, xưa thật là xưa, vùng đất địa đầu của người U Ní thường bị kẻ thù lẻn sang xâm lấn đất đai. Chúng thường lợi dụng lúc nửa đêm để nhổ cột mốc cắm vào sâu trong địa phận của người U Ní. “Ngày đó, để chống lại bọn giặc cướp đất, những thanh niên người U Ní đã đặt lời nguyền, nếu chiến đấu hy sinh, sẽ biến thành những cột mốc biên giới mà quân thù không thể nhổ đi được. Trời thấu tỏ lòng người, đã cho các vị thần gieo trên đất biên giới của chúng tôi những cây gạo. Từ đó, nắng lửa hay tuyết dày, cứ lập xuân là hoa gạo nở đỏ rực rỡ như máu người U Ní yêu nước dọc đường biên”, cụ Chu Khởi Thềnh ở A Mú Sung kể bằng tiếng Hà Nhì cổ.

Bài ca kết đoàn nơi biên giới

Cố nhà thơ Hùng Đình Quý: “Người Mông và người Lô Lô  mối lương duyên vĩ đại

Cụ Thềnh còn quả quyết rằng, mỗi khi quân thù có ý định xâm lấn bờ cõi của người U Ní, những bông gạo lại rơi và cháy loá, khiến quân thù tưởng đó là linh hồn của những người lính U Ní hiển linh nên vội vàng tháo chạy, nhờ đó mà người U Ní thoát khỏi chiến tranh. Chưa cần biết độ xác tín của việc những bông gạo rơi khiến kẻ thù khiếp sợ đến đâu, nhưng chỉ nhìn ánh mắt rạng rỡ, đầy tin tưởng của bậc kỳ lão nơi vùng đất sương mù đã thấy ấm lòng và thêm tin vào niềm tin đầy nhân bản của người dân nơi đây.

Trong câu chuyện viết về chính những người dân Hà Nhì cơ chỉ, nồng nàn yêu nước, truyện ngắn “Hoa gạo đỏ” (tuyển tập “Nửa thế kỉ truyện ngắn và ký Biên phòng” do Bộ tư lệnh BĐBP phát hành nhân kỉ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng) của nhà văn Ma Văn Kháng có đoạn viết: “Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hóa, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp. Trong cái ngẫu hứng tài tình của tự nhiên ấy, ta cứ nghĩ tới một sự sắp xếp cố tình của con người. Ối chao! Thì ra thiên nhiên cũng muốn tham gia vào đời sống con người. Biên giới không chỉ hoạch định bằng cột mốc. Mà còn bằng cây cỏ. Và như vậy, những hạt gạo, đuôi xòe lông tơ từ một miền nảo miền nào theo gió tán tới đây, giống như một hiện tượng chim đậu đất lành, lại như là có ý thức hẳn hoi trong việc xác định ranh giới Quốc gia…”.

Nhường đất cho “những người anh em lưu lạc”

Đâu chỉ có người U Ní, người Tày, Nùng ở Cao Bằng, người Lô Lô, Clao ở Hà Giang, người Thái, Sila ở Điện Biên, Lai Châu đều có những câu chuyện dân gian của dân tộc mình về loài hoa thắp lửa ấy… Hẳn cũng vì lẽ ấy mà trên những cung đường biên giới, chúng ta đều gặp những bông gạo thắm đỏ đến kiệt cùng, đỏ như màu cờ khẳng định chủ quyền, như ghi màu máu của bao người trẻ đã ngã xuống bên cây, để người phương xa ấm lòng và vững tin hơn khi nhìn màu hoa biên giới.

Ở một số lễ hội truyền thống của người Mông trên cao nguyên Đồng Văn, trong các bài văn khấn của đồng bào thường có nhắc đến công ơn của người Lô Lô cổ đại và thực hiện nghi thức mời cơm tổ tiên người Lô Lô. Đó là chuyện “xưa nay hiếm”, vì vốn dĩ ngoài tổ tiên của mình, hiếm khi người Mông thờ cúng những dân tộc khác. Cố nhà thơ Hùng Đình Quý, người dân tộc Mông và đồng thời cũng là chàng rể quý của người Lô Lô, đã từng khẳng định: “Mối lương duyên giữa người Mông và người Lô Lô là mối lương duyên rất vĩ đại. Ba trăm năm trước, trong bối cảnh người Mông bị đánh đuổi, phải bỏ phương Bắc để chạy về phương Nam, trong tay không một tấc đất, bất chấp sự nguy hiểm đang rình rập phía sau, người Lô Lô đã mở rộng vòng tay, cưu mang người Mông. Chưa hết. Khi người Mông xuống, những vùng đất ở phương nam phần lớn đã có chủ, người Lô Lô đã nhường đất của mình để người Mông có đất sinh sống”.

Bài ca kết đoàn nơi biên giới

Người Mông và người Lô Lô sinh sống đoàn kết dưới chân Lũng Cú

Thời điểm đến với đất Việt của những người anh em Mông được chính sử minh định như sau: “Đợt thứ nhất, khoảng 100 hộ, thuộc các họ Lù, Giàng từ Quý Châu đến khu vực các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, thời gian vào quãng cuối đời Minh, đầu đời Thanh của lịch sử Trung Quốc, cách đây trên 300 năm. Đợt thứ hai, khoảng trên 100 hộ, trong đó có những hộ thuộc họ Vàng, họ Lý cũng vào khu vực Đồng Văn. Còn một nhóm khác số người ít hơn, thuộc các họ Vàng, Lù, Chấu, Sùng, Hoàng, Vừ vào khu vực Si Ma Cai, Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Thời gian của đợt di chuyển này cách đây trên 200 năm”.

Từ 200 hộ đầu tiên đó, đến nay dân số người Mông Việt Nam đã lên đến hàng triệu người, sinh sống đoàn kết cùng các dân tộc anh em khác dọc theo biên giới Việt - Trung và Việt - Lào từ Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và thậm chí là cả Gia Lai, Kon Tum… Nhiều con em dân tộc Mông đã góp sức lực, trí tuệ của mình cùng bảo vệ và dựng xây đất nước.

Nắm tay nhau bảo vệ biên cương

Dân ca Mông miêu tả “Mưa nhẹ trên đường phố. Chó sủa Lô Lô về” để chỉ sự nhẹ nhàng, khôn khéo và dứt khoát trong tính cách người Lô Lô, tạo nên những sắc thái riêng từ nếp sống, cách nghĩ đến việc làm. Còn dân tộc Mông thì vốn dĩ đã trải qua nhiều thăng trầm, thường xuyên phải đương đầu với địa hình hiểm trở, khắc nghiệt; có thói quen du cư để kiếm chỗ sinh nhai, trong định mệnh chạy đua với các tộc người khác để tìm đất sống… nên cá tính Mông có phần khoáng đạt, mạnh mẽ và dễ bùng phát.

Vậy mà hàng trăm năm qua, dân tộc Lô Lô vẫn sống xem giữa cộng đồng dân tộc Mông một cách hiền hòa, gắn bó. Bản Lô Lô Chải và bản tột Bắc Séo Lủng nằm gần sát bên nhau như lời cam kết nhường đất năm xưa, cùng canh tác trên thung lung trồng ngô có tên gọi theo tiếng Mông là Long Cư. “Hỡi những người Lô Lô cổ/Và Clao già ở đất này/Đã phát rẫy làm nương/Đã khai thiên lập địa/Sinh ra mảnh đất đầu tiên/ Sinh ra Các hang/Đẻ ra các động…”. Đó là lời văn trong bài cúng lễ, kể chuyện tổ tiên người Lô Lô cổ đưa con cháu men theo rông đá tìm xuống mảnh đất lành phương Nam trú ngụ. Họ được coi là những người có công đầu khai phá vùng đất Đồng Văn nên ngày nay, các dân tộc khác ở Đồng Văn như Mông, Dao, Tày, Hoa… vẫn thường tổ chức cúng ma Lô Lô để tỏ lòng biết ơn người đi trước đã nhường đất cho “những người anh em lưu lạc”.

Bài ca kết đoàn nơi biên giới.

Một góc Thèn Pả

Trên cánh đồng Thèn Pả, nơi có đỉnh núi Rồng và ngọn cờ Lũng Cú kiêu hãnh bay trên nóc nhà Tổ quốc là chòm bản bình yên của 70 hộ dân Lô Lô Chải. Nhà dựng sát nhà, mái kề liền mái và những dãy hàng rào đá chạy bao quanh. Theo sử sách ghi lại, vùng đất Lũng Cú từ xa xưa vẫn luôn được các triều đại phong kiến coi là một trong những vùng đất tiền đồn có vai trò quan trọng ở phía bắc. Tương truyền rằng, Thái úy Lý Thường Kiệt đã có lần hội quân lớn ở đây nhằm biểu dương sức mạnh và ý chí bảo vệ biên cương, bờ cõi.

Lịch sử cũng đã ghi nhận ở mảnh đất phên giậu của Tổ quốc này, đồng bào các dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Mông, Dao, Giáy trải qua không biết bao nhiêu biến loạn và đã đoàn kết cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược quê hương Việt Nam suốt mấy nghìn năm. Còn hôm nay, trong bóng cờ bay, nỗi nếp nhà như một chốt canh lặng lẽ nơi biên ải. Nhiều con em của đồng bào Lô Lô đã phấn đấu học tập, trở thành những cán bộ mẫn cán, góp phần gìn giữ, xây dựng quê hương mình giàu đẹp.

Và cứ thế, ngày nối ngày, dưới chân cột cờ Lũng Cú, bài ca đoàn kết của tổ tiên Mông, Lô Lô vẫn đang được đắp xây bằng những câu chuyện xây dựng và bảo vệ biên giới hôm nay. Điệu khèn Mông dìu dặt và tiếng trống đồng Lô Lô vẫn hòa ca báo hiệu biên cương yên bình và no ấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài ca kết đoàn nơi biên giới