Bài 2- Tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Trần Quang Huy| 11/10/2018 14:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TP.Hải Phòng đã tăng cường nhận thức về ý nghĩa của hòa giải, đối thoại, huy động các nguồn lực xã hội tham gia tại Tòa án.

Chủ trương về đi mới, tăng cường hòa giải, đi thoại

Nhận thức được tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, TANDTC đã nghiên cứu, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này và báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Tại phiên họp ngày 15/12/2017, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã kết luận: “Đồng ý giao TANDTC triến khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triến khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn”. Việc hòa giải, đối thoại phải dựa trên nền tảng công tác dân vận như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Mặt khác, việc hòa giải, đối thoại phải bám sát Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”; “Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án;... bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án”. Công tác này phải phù hợp với Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án đó là “Nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự”.

Từ chủ trương nêu trên, ngày 22/1/2018, TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-TANDTC triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trước tố tụng tại TAND TP Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của TP Hải Phòng (thời gian thí điểm từ tháng 3/2018 đến hết tháng 8/2018). Đồng thời, TANDTC thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm do Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền làm Trưởng ban; 3 Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo một số đơn vị của TANDTC là thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc. Bên cạnh đó, TANDTC ban hành Công văn số 48/TANDTC-PC, ngày 9/3/2018 quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tiêu chuẩn hòa giải viên, đối thoại viên, trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, xử lý kết quả hòa giải, đối thoại. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được TANDTC hướng dẫn, giải quyết kịp thời để bảo đảm sự thống nhất trong quá trình triển khai thí điểm.

Triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại

Theo hướng dẫn của TANDTC, Chánh án TAND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 345/QĐ-TA ngày 16/3/2018 thành lập 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm: 9/15 đơn vị TAND quận, huyện và 1 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP Hải Phòng. Đồng thời, lãnh đạo TAND TP Hải Phòng thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký giúp việc; phân công Chánh án TAND các quận, huyện, các Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng làm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trung tâm hòa giải, đối thoại có nhiệm vụ thực hiện hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại giải quyết các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC không được hòa giải, đối thoại hoặc không tiến hành hòa giải, đối thoại được.

 Các trung tâm hòa giải, đối thoại đã rà soát, lựa chọn, chỉ định 60 hòa giải viên, đối thoại viên, là những Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên đã nghỉ hưu, các cán bộ đã từng tham gia công tác hội thẩm nhân dân và các Luật sư có phẩm chất đạo đức, có uy tín, có kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình để tham gia vào hoạt động hòa giải, đối thoại.

Bài 2- Tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

 Thẩm phán Gordon J. Low (Hoa Kỳ) trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hòa giải, đối thoại

Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đặt trụ sở tại TAND, nhưng không phải là một tổ chức có cơ cấu, bộ máy riêng, không thuộc biên chế của TAND. Đây là một tổ chức tự quản của các hòa giải viên, đối thoại viên, có chức năng điều phối hoạt động hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính, được TAND hỗ trợ một số hoạt động. Kinh phí hoạt động của các Trung tâm chủ yếu do UBND TP Hải Phòng hỗ trợ, TANDTC cũng cấp một phần kinh phí; các nguồn kinh phí này được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất của các Trung tâm và chi bồi dưỡng cho hòa giải viên, đối thoại viên.

Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án được trang bị phương tiện làm việc thiết yếu gồm: bàn ghế làm việc, tủ tài liệu; tủ sách pháp luật, máy tính, điều hòa. Bàn hòa giải, đối thoại được thiết kế là bàn tròn tạo sự bình đẳng, gần gũi, thân thiện giữa các đương sự, hòa giải viên, đối thoại viên khi hòa giải, đối thoại. Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án được lắp đặt các biển chỉ dẫn, niêm yết công khai danh sách các hòa giải viên, đối thoại viên và quy chế hoạt động hòa giải, đối thoại.

Cùng với việc thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại, TANDTC hướng dẫn về trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại bao gồm: Thủ tục nhận và chuyển đơn đến Trung tâm Hòa giải, đối thoại; việc chuẩn bị hòa giải, đối thoại và tổ chức phiên hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên, đối thoại viên; thời hạn hòa giải, đối thoại; xử lý kết quả hòa giải, đối thoại; xác định thời hiệu khởi kiện, ngày khởi kiện, thời hạn xử lý đơn khởi kiện trong trường hợp sau khi hòa giải, đối thoại tại Trung tâm nhưng người khởi kiện vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Bên cạnh đó, TANDTC đã mở nhiều khóa tập huấn cho các hòa giải viên, đối thoại viên và mời các Thẩm phán TANDTC, các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm là Thẩm phán Gordon J. Low (Hoa Kỳ), Thẩm phán Kamada, chuyên gia Umemoto Yumi (Nhật Bản), Thẩm phán Arun Mishra (Ấn Độ) đến truyền đạt…

Việc triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TP. Hải Phòng đã tăng cường nhận thức của các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án về giá trị và ý nghĩa của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại. Việc thực hiện các hoạt động thí điểm đảm bảo nguyên tắc phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, không làm phát sinh thêm bộ máy tổ chức, biên chế cán bộ, công chức.

(còn nữa)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2- Tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính