Ở trại phong Quả Cảm, có một người phụ nữ đã tình nguyện hy sinh tuổi trẻ của mình để được yêu thương, chăm sóc những bệnh nhân phong như chính những ngươi thân trong gia đình. Chị là Nguyễn Thị Xuân sinh năm 1957, ở Quế Võ, Bắc Ninh.
"Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"
30 năm về trước, có một người phụ nữ thường xuyên ghé thăm trại phong Quả Cảm, mang theo những nải chuối, lọ muối vừng hay chai nước mắm đến với những bệnh nhân phong. Người ta thấy chị cần mẫn cõng một cụ bà cụt chân đi khám bệnh, giặt giũ quần áo cho những ông cụ cụt tay, thậm chí kiêm cả việc rửa ráy lo hậu sự cho những bệnh nhân phong qua đời như những người thân ruột thịt.
Sự tận tụy, ân cần của một người dưng đối với những bệnh nhân phong ở đây khiến tất cả người bệnh và đội ngũ y bác sĩ từ ngạc nhiên đến xúc động.
Chị Nguyễn Thị Xuân đã hy sinh hạnh phúc gia đình để gieo niềm vui muốn sống tiếp cho những bệnh nhân phong
Chị Nguyễn Thị Xuân sinh năm 1957 ở xã Đại Xuân, Quế Võ, Bắc Ninh là chị cả trong một gia đình có 4 anh chị em. 19 tuổi chị trở thành cô giáo dạy trẻ.
Một lần tình cờ chị Xuân đọc cuốn sách “Lạc quan trên miền thượng” kể về một vị linh mục người Pháp đã từ bỏ giàu sang phú quý đến Việt Nam lặn lội lên rừng bế những người mắc bệnh phong, cùi bị bỏ rơi về chăm sóc và thành lập trại phong ở Di Linh Lâm Đồng.
Nhìn những hình ảnh về cuộc sống của những bệnh nhân phong bị gia đình hắt hủi, xã hội kỳ thị, thiếu thốn tình thương cả về vật chất lẫn tinh thần, chị ngày đêm trăn trở, xót xa cho nỗi đau của chính đồng bào mình.
Một ngày chủ nhật năm 1987, chị Xuân tìm đến trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Phong và da liễu Bắc Ninh) tại thời điểm mà căn bệnh này đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng ảnh lúc bấy giờ.
Khi vào thăm lần đầu, gặp một ông cụ tên Tình (74 tuổi) đang nằm trên mấy tấm ván, chân tay cụ cụt gần như không còn gì. Cụ lê lết đau đớn nhưng không có người thân thích nào bên cạnh. Lần kế tiếp trở lại, cụ Tình đã chết, cụ chết rất cô đơn, không có thân nhân, sáng cụ chết, chiều người ta đem đi chôn. Những hình ảnh ngày đầu tiên đến trại phong và cái chết của cụ Tình cứ ám ảnh chị Xuân mãi.
Từ đó, chị giấu gia đình, coc cạch chiếc xe đạp mang theo cơm nắm muối vừng tìm đến trại phong Quả Cảm chỉ để, rửa bát, giặt giũ quần áo, trò chuyện với những bệnh nhân phong như những người bạn tâm giao.
Chị Xuân đã có lần bật khóc khi nghe tâm sự của mọt cụ ông nói ước nguyện cuối cùng trước khi nhắm mắt là được nhìn mặt con cháu lần cuối, nhưng cái ươc mơ bình dị ấy đã mãi theo cụ về thế giới bên kia.
Cứ thế, mỗi lần đến trại phong, chứng kiến những hoàn cảnh, những số phận khác nhau đau đớn, quằn quại, có cụ thì cụt cả hai chân tay, cụ liệt nửa người cô quạnh trong những căn phòng xập xệ. chị Xuân xót xa, ruột đau như sát muối.
Chị quyết định bỏ nghề giáo viên, viết đơn xin tự nguyện vào trại phong để được chăm sóc những bệnh nhân.
Thầm lặng phục vụ chăm lo cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh
Sự khởi đầu công việc mới không mấy dễ dàng với chị. “Thời đấy bệnh phong bị cả xã hội kỳ thị, khi nói đến chăm sóc bệnh nhân trong trại nhiều người cho tôi là điên, là khùng, họ né tránh, xa lánh”, chị Xuân tâm sự, Nhưng với chị Xuân còn có một mục đích cao hơn thế, được phục vụ những bệnh nhân phong là một niềm hạnh phúc. Và rồi chị quyết định sống cuộc sống độc thân để có thể toàn tâm, toàn ý lo cho những con người cô độc ấy.
Sự tận tụy, ân cần của một người dưng đối với những bệnh nhân phong ở đây khiến tất cả người bệnh và đội ngũ y bác sĩ từ ngạc nhiên đến xúc động.
Cái tên “bảo mẫu” xóm cùi là cách gọi trìu mến mà những bệnh nhân dành tặng cho chị Xuân.
Hết lòng với bệnh nhân phong
Gần năm năm tình nguyện làm công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", tình cảm chân thành của Xuân đã tiếp thêm nghị lực sống cho nhiều bệnh nhân phong vượt lên số phận. Chẳng thế mà đích thân Giám đốc trại phong gọi Xuân trực tiếp hỏi Xuân việc chăm sóc những bệnh nhân phong có sợ bị lây bệnh hay không? Xuân bảo vì thương các cụ nên không còn cảm giác sợ....
Năm 1992, sau khi đi học lớp y tá ở Quy Nhơn, Bình Định, Xuân chính thức làm được biên chế phục vụ tại trại phong Quả Cảm.
Y tá, "bảo mẫu" xóm cùi Nguyễn Thị Xuân
chị Xuân kể, trong những năm phục vụ bệnh nhân phong, câu chuyện khiến chị Xuân xúc động nhất là một cụ bà tên Lưu vào trại phong từ năm 13 tuổi. Bà cụ bi phong ăn cụt hai chân, cụt hai tay, hai mắt cụ cũng bị mù. Mặc dù trong đớn đau bệnh tật, nhưng cụ không bao giờ kêu khổ, lần nào cõng cụ trên lưng, bà cụ chỉ nói một câu duy nhất “em sướng lắm”.
Cụ Lưu có một người con, nhưng phải đến 17 năm sau, người con trai này mới đến tìm mẹ.
Anh con trai này quê ở Miền Nam cũng bị bệnh phong điều trị ở trại phong Quy Nhơn, chân tay tàn tật, nhưng mức độ nhẹ hơn. Khi mẹ con gặp mặt, cả hai ôm nhau òa khóc.
"Chúng tôi đưa cụ và anh ra ga tàu để bắt xe về quê. Khi lên tàu, do chân tay cụ đều bị cụt, mắt bị mù, thay vì giúp đỡ hai mẹ con cụ thì những người ngồi trên tàu lại tìm cách né tránh. Thời đó, nói đến phong thì ai cũng sợ, cả xã hội kỳ thị bệnh nhân phong. Có những người đến chết vẫn không muốn về quê”. Chị Xuân nói
Trước khi chia tay chúng tôi, chị Xuân vẫn còn lắm những trăn trở, chị nói khi chia tay chúng tôi: “Bản thân những người bị bệnh phong cũng có sự tự ty và mặc cảm với chính căn bệnh của mình. Sự kỳ thị cũng khiến trái tim người bệnh bị tổn thương rất lớn. Tôi luôn có một mong ước là gia đình, xã hội quan tâm đến những người mắc bệnh phong để họ có thêm nghị lực vượt qua số phận”.
"Chị Xuân là người gắn bó lâu năm nhất, có trách nhiệm trong công việc. Chị hy sinh cả gia đình và niềm hạnh phúc riêng để đến với bệnh nhân phong, chăm sóc bệnh nhân như người thân ruột thịt của mình. Ở trại phong Quả Cảm, nếu tìm được một người phụ nữ tận tụy như chị Xuân là rất hiếm” - Ông Lương Trung Hậu, Giám đốc Bệnh viện Phong và da liễu Bắc Ninh. |