Cho đến đời ông Nguyễn Phương Hùng đã là đời thứ 3 quanh năm mặt bụi, chân than. Dù cho thời thế đã thay đổi, cả phố Lò Rèn đã chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực khác nhưng với ông, nghề rèn như một cái nghiệp gắn vào đời mình.
Bây giờ đến phố Lò Rèn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), mọi người không còn được nghe thấy tiếng chát bụp của búa, của đe, của khói than. Không còn cảnh những thanh niên lực điền, cởi trần, người đầy bụi, đưa tay quai búa tán những thanh sắt đỏ hồng thành những dụng cụ lao động.
Cũng chẳng còn những người phụ nữ trầm mặc, quay bếp lò đỏ rực, mồ hôi đẫm áo. Thay vào đó là cảnh phố phường buôn bán tấp nập với đủ mọi mặt hàng. Tưởng như cái nghề thợ rèn theo đúng cái tên của con phố rất xưa này đã biến mất.
Ấy vậy mà, ẩn khuất trong con phố, một gia đình ba đời vẫn theo cái nghề “mặt bụi, chân than” ấy bằng cả sự say mê đắm đuối. Đó là gia đình ông Nguyễn Phương Hùng (ở số 26 phố Lò Rèn, Hà Nội).
Ba đời nhà ông Hùng đều gắn bó với lò rèn rộng 3m2
Bên bếp lò nóng rực, toàn thân ông Hùng đen đúa, đầy bụi than, gương mặt khắc khổ, giọng khàn đặc. Ông bảo rằng “đây là thứ nghề cao quý khi xưa ở phố cổ, gia đình tôi đã ba đời theo nghề, ba đời gắn với tiếng đe, tiếng búa”.
Ông xởi lởi, ánh mắt rạng lên niềm vui mà giải thích, sở dĩ nó là nghề thời thượng bởi ngày xưa đâu có ai phân biệt nghề này nghề kia như bây giờ. Người thợ rèn phải khoẻ và thần kinh thép thì mới theo nghề được. Việc quai búa nặng nhọc vô cùng, nhiều khi còn bị lửa bắn vào rát mặt, phỏng da. Nhưng những người thợ rèn chưa bao giờ coi đó là cực nhọc, điều họ mệt mỏi là phải suy tính giữ nghề gia truyền và kiếm miếng ăn từ chính cái nghề này.
“Từ bé, tôi đã được xem ông nội làm nghề. Đến đời bố thì tôi bắt đầu được học nghề. Tôi được bố truyền dạy cách chọn thép, nung lò, cách tạo hình vật dụng từ thanh sắt thành con dao, cái móc rồi đến búa tạ, xà beng, bu lông, ốc vít, xe ngựa, xe tay kéo… khiến tôi “say” cái nghề này lúc nào không hay. Khi thời thế đã thay đổi, nhà nhà, người người trong cái phố này đập bỏ lò, bán bếp khò, thanh lý búa, đe để chuyển sang nghề khác nhàn nhã mà kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng tôi vẫn không sao dứt được”, ông Hùng tâm sự.
Nghề nặng nhọc…
Ông cho biết thêm, vào những năm 1980, phố Lò Rèn này lửa lò nhà nào cũng sáng rực, các thợ lành nghề vẫn còn tập trung quai búa suốt ngày đêm, tiếng chát bụp vui tai, hừng hực khí thế. Thế rồi, cứ thưa dần tiếng búa, nhiều thợ rèn bỗng một ngày trở thành ông chủ nhà hàng ăn uống hoặc kinh doanh đủ thứ trên đời.
Khi tôi hỏi, ông đã bao giờ có ý định bỏ nghề? Giọng ông Hùng trầm hẳn: “Thấy mọi người chuyển nghề nhàn hạ, cuộc sống dư dả, nhiều lúc tôi cũng nhen nhóm ý nghĩ trong đầu là thôi bỏ quách cái nghề này đi. Ấy vậy mà, tinh mơ ngày hôm sau, tôi lại lụi cụi dậy nhóm lò. Cái suy tính bỏ nghề kia bất thành hết lần này cho đến lần khác. Giờ thì tôi quyết định khi nào không còn đủ sức khỏe để làm nghề nữa thì thôi”, ông bộc bạch.
…và nhiều nguy hiểm
Theo ông Hùng chia sẻ, bỏ nghề là bất hiếu với tổ tiên, phụ lòng người cha đã khổ công truyền nghề cho con. Vì thế, dù có những lúc nản lòng nhưng ông cũng chẳng dám nghĩ đến việc rời xa cái bếp lò với những tiếng phì phò của bễ hơi. “Trước lúc mất, bố tôi dặn: Tao chẳng có cái gì có giá để lại cho mày, thôi thì còn cái bếp lò rèn, cố mà giữ, nó là thứ bất di bất dịch, đừng để nó nguội tàn”. Quả nhiên cái cửa hàng hình tam giác rộng 3m2 và trải qua ba đời đến nay vẫn đỏ lửa mỗi ngày.