Bà bầu và "ám ảnh" bệnh phụ khoa

Sơn Anh| 07/12/2016 08:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị viêm âm đạo khi mang thai mà không chữa trị dứt điểm có thể sẽ lây sang thai nhi, nếu để tình trạng viêm âm đạo nặng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Một số bệnh thường gặp

Khi mang thai, sức đề kháng của bà bầu yếu nên rất dễ mắc các bệnh phụ khoa. Ngoài ra, hầu hết các bà bầu trong thời kỳ mang thai do sự thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể nên dẫn tới các bệnh viêm nhiễm, phổ biến nhất vẫn là viêm âm đạo. Việc chữa viêm âm đạo cho bà bầu ngay từ khi có các biểu hiện lâm sàng không chỉ tốt cho người bệnh mà còn rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Bà bầu và

Do sự thay đổi nội tiết tố nên bà bầu dễ mắc bệnh viêm âm đạo

- Nhiễm khuẩn âm đạo: Có khoảng 20% mẹ bầu bị nhiễm khuẩn âm đạo trong thai kỳ của mình. Bệnh này gây ra bởi một vi khuẩn thường trú trong âm đạo, nhưng do biến đổi hormone khi mang thai, vi khuẩn này phát triển một cách quá mức. Nếu không được điều trị, vi khuẩn này vẫn sẽ tồn tại cho đến khi bé được sinh ra.

Đối với những phụ nữ không mang thai, nhiễm khuẩn âm đạo có thể gây vô sinh hoặc hỏng ống dẫn trứng.

Triệu chứng thường gặp: Ngứa quanh âm đạo, đau khi đi tiểu, chất dịch xám, trắng mỏng.

- Nhiễm nấm âm đạo: Nhiễm nấm âm đạo thường xảy ra do sự tăng trưởng quá mức của nấm Candida, một loại nấm tự nhiên sống trong âm đạo. Tuy nhiên khi mang thai, hormone estrogen và progesterone gia tăng quá nhiều, phá vỡ độ PH tự nhiên của âm đạo, tạo điều kiện sinh sôi cho loại nấm này.

Triệu chứng thường gặp: Đau và ngứa ở âm đạo, tấy đỏ và sưng môi âm đạo, chất nhờn hơi trắng vàng và có mùi, cảm thấy đau khi quan hệ, khi đi tiểu bị đau, rát.

- Nhiễm Strep B âm đạo (GBS): Hơn 20% phụ nữ khỏe mạnh có vi khuẩn Strep nhóm B tồn tại trong cơ thể, thường là trong đường ruột, trực tràng hay âm đạo. Thông thường, bác sĩ sẽ tự động kiểm tra GBS cho mẹ bầu trong tuần 35-37 của thai kỳ. Nhiễm GBS là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu, vỡ nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ, thai chết lưu và sinh non. GBS cũng là “thủ phạm” điển hình gây nhiễm trùng sơ sinh với tỷ lệ tử vong khá cao.

Triệu chứng thường gặp: Đau rát khi đi tiểu, nước tiểu có màu đục, thường xuyên có cảm giác thôi thúc muốn đi tiểu.

- Viêm âm đạo trichomoniasis: Theo thông kê, viêm âm đạo trichomoniasis là căn bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Nguyên nhân là do ký sinh trùng Trichomonas, loại ký sinh thường sống trong âm đạo.

Triệu chứng thường gặp: Dịch âm đạo có màu xanh, vàng, hơi có bọt nhỏ và có mùi hôi, cảm giác ngứa, rát khi quan hệ.

Nguy cơ "sát sườn" nhưng chưa được quan tâm đúng mức

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội) cho biết, có không ít chị em bị mắc bệnh phụ khoa khi thai nghén, nhưng do chủ quan hoặc sợ việc điều trị ảnh hưởng tới em bé, nên thường chần chừ việc khám, chữa.

Bà bầu và

Đối với phụ nữ mang thai giai đoạn này, phụ nữ rất dễ bị viêm nhiễm ở vùng kín do nồng độ tiết tố trong thời kỳ mang thai thường tăng cao hơn bình thường. Nội tiết tố tăng cao, nồng độ pH trong môi trường vùng kín thay đổi, các loại vi khuẩn và nấm kí sinh theo đó mà phát triển nên rất dễ bị các bệnh lý về phụ khoa. Điều này ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn thai nhi. Cụ thể, nếu thai phụ mắc bệnh phụ khoa do nấm, chlamydia trong thời kỳ này thai phụ sẽ bị nóng rát, ngứa ở vùng kín, đau bụng, nặng hơn gây viêm màng ối dễ sinh non, lây truyền nấm cho em bé. Do đó, trước khi có ý định mang thai, cần đi khám sức khỏe tổng quát cũng như phụ khoa, chữa dứt điểm các bệnh viêm nhiễm vùng kín, phần phụ, để đảm bảo an toàn cho mẹ và con sau này.

Bác sĩ Dung cho biết, điều đáng nói là, nếu như ở nước ngoài, yêu cầu khám phụ khoa là bắt buộc đối với tất cả phụ nữ mang thai, thì ở nước ta, nhiều người chỉ quan tâm đến việc siêu âm thai nhi, chứ chưa chú ý tới việc khám sức khỏe của bản thân và chăm sóc vùng kín. Thậm chí, một số trường hợp bị bệnh còn không chữa triệt để vì sợ ảnh hưởng tới thai. Đây là một quan niệm sai lầm và có thể gây nhiều hệ lụy cho cả mẹ và con.

Vệ sinh đúng cách để chủ động phòng tránh bệnh

Để tránh các bệnh viêm nhiễm “vùng kín” khi mang thai, chị em cần giữ vệ sinh tốt, mặc đồ lót bằng chất liệu cotton. Khi thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào cần đi khám bác sĩ. Không tắm bằng bồn lâu; không ngâm mình trong nước ao, hồ hoặc những vùng nước bẩn khác.

Bà bầu và

Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày giúp bà bầu phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh

Nên dùng nước ấm để làm sạch “vùng kín”. Không dùng xà phòng có tính sát khuẩn cao, không nên dùng thường xuyên dung dịch vệ sinh để rửa “vùng kín” vì các hóa chất trong dung dịch sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, làm mất độ pH tự nhiên trong môi trường âm đạo, dễ gây khô rát, khó chịu.

Sau khi đi vệ sinh hoặc đi tiểu, cần làm sạch “vùng kín” bằng cách lau khô bằng khăn bông chuyên dụng. Khăn bông cần được thay giặt hàng ngày. Tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo, nhất là phụ nữ có thai vì dễ gây tổn thương cho vùng âm đạo và xuất huyết tử cung.

Tránh giao hợp ở những tuần đầu mang thai và tháng cuối cùng vì sẽ nguy hiểm tới thai nhi, có thể dẫn tới sinh non. Trước và sau khi quan hệ, hai vợ chồng cần phải vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ. Tốt nhất người chồng nên dùng bao cao su, không xuất tinh vào trong âm đạo. Nếu có dấu hiệu bị viêm nhiễm như ngứa, dịch âm đạo có mùi hôi... thì nên đi khám phụ khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà bầu và "ám ảnh" bệnh phụ khoa